LŨ QUÉT- KỊCH

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Nhân vật:

Tuấn ………..         bộ đội

Ngọc Lan….          Con gái ông Họa

Ông Họa……         hai chấm mở ngoặc kép

Ông Xưởng…..Quyền chủ tịch xã

Hà Mi………….      Nữ nhà báo

Chị Thái…….        Chị chèo đò

Bà Lý……    Vợ ông Họa

Trừng……..  Giám đốc tư nhân

Liễu…….     Bồ nhí của Trùng

Người đàn bà đơn giản

Mẹo…..       Gã chăn vịt

Cô Xiết….   Vợ gã chăn vịt

Lương…..    Bộ đội

Hoàng…..    Bộ đội

Chiến Thiếu tá tiểu đoàn trưởng

Người đàn ông khâm liệm

Chuyện kịch này xảy ra chỉ trong một ngày tại một mảnh làng cận kề sông, cận kề biển. Và những nhân vật trong kịch này cũng đang phải cận kề giữa sống và chết, giữa cao cả và thấp hèn, giữa thời khắc nghiệt ngã của cơn lũ quét để cuối cùng, tất cả họ chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là phải sống, không phải chỉ sống cho mình mà cho sự sống của cả làng.


Cảnh 1

                                     Mảnh làng ven sông. Một con đê dài. Buổi chiều. Những bóng đen thập thò lúc ẩn lúc hiện ở mặt đê. Hà Mi, nữ nhà báo đang dùng máy ảnh chụp trên thân đê và lại hý hoáy ghi chép, lại chụp. Những bóng đen rình rập. Không khí căng thẳng. Lố nhố những đầu gậy gộc. Và bất chợt từ phía mặt đê những bóng đen vụt xuất hiện. Hà Mi giật mình. Bọn áo đen cầm gậy xông đến. Hà Mi chạy. Tiếng la hét dữ dội. Hà Mi ngã. Máy ảnh văng ra. Một số áo đen xông đến đập tan máy ảnh. Số áo đen khác lao theo Hà Mi, đuổi cô nhà báo chạy quanh chân đê. Không khí dữ dằn. Và khi Hà Mi đang lọt trong vòng vây của bọn áo đen thì Tuấn, vai mang ba lô lao đến. Bọn áo đen thấy bộ đội thì bỏ chạy. Hà Mi nhận ra người quen của mình.

Hà Mi:

- Ôi kìa anh Tuấn

Tuấn:

-Hà Mi… Ai đã bao vây để đánh em?

Hà Mi:

- Nhặt cái máy ảnh lên. Bọn chó má. Chính hắn đã thuê người ám hại em chứ không ai hết, chính là hắn.

Tuấn:

- Hà Mi, em nói rõ đi xem nào. Em là một nhà báo, hắn là ai mà dám thuê người làm hại em, hắn là ai?

Hà Mi:

-Nghe em hỏi đã, anh làm gì lại ở đây?

Tuấn:

- Anh đi công tác… à không phải, nói chung là… thì cứ coi như anh đi công tác…

Hà Mi:

- Thôi nào, lại còn dấu em nữa… Em hỏi thật nhá, vừa rồi em có ghé nhà anh, mẹ anh khoe là anh đang yêu cô gì đó ở xã này, đúng thế không?

Tuấn:

- Cười, Nhà báo có khác, cái gì cũng biết… Em có biết cô Ngọc Lan bí thư xã đoàn ở xã này chứ? Cô ấy là…

Hà Mi:

- (Cười) Chà… Bộ đội gì mà khai nhanh thế. Em biết rồi… Trước ngày anh đi bộ đội, anh là bí thư chi đoàn xã này còn cô Lan là phó bí thư… Hai người đã yêu nhau từ ngày đó đúng không? Đến ngày anh nhập ngũ, cô Lan lại thay anh làm bí thư… Tình yêu anh chị hơi bị lý tưởng đấy… Chúc mừng anh. Khi nào cưới ạ?

Tuấn:

- Cưới thì chưa tính nhưng các cụ muốn có cái lễ hỏi… nhưng xem kìa, trời đất này chắc là sắp có mưa lớn…

Hà Mi:

- Có lũ đấy… Thời tiết này rất dễ xảy ra lũ… Vùng này chỉ mưa một ngày là lũ mà… Em cũng đang cố hoàn thành nốt việc để lên thành phố, ở lại đây, kẹt lũ thì chết…

Tuấn:

-Em đang điều tra vụ gì phải không? Và kẻ đang bị em điều tra thuê người hành hung em? Nhưng sao em lại nói hắn biết anh? Anh có quen ai ở vùng này đâu?

Hà Mi:

- Em không nhầm đâu. Anh biết hắn.

 Tuấn:

-Anh biết hắn?

Hà Mi:

- Anh biết rõ là khác, biết rõ hơn em… Hắn là thằng Trừng, Đỗ Hữu Trừng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Thắng.

Tuấn:

- Chính là hắn? Hóa ra hắn vẫn chưa bị khởi tố sao? Hà Mi nhớ không, ngày anh làm bí thư thanh niên ở đây, anh và Lan cùng một số thanh niên trong làng tố cáo hắn với cấp trên về việc công ty của hắn đã thi công gian dối con đê của làng… Cuộc đấu tranh đang dang dở thì anh đi bộ đội… Anh tưởng là cấp trên đã về thanh tra và vạch rõ tội trạng làm ăn gian dối của hắn, ai ngờ hắn vẫn nguyên xi như thế? Lạ nhỉ?

Hà Mi:

- Anh chưa biết đấy thôi, trước khi trở thành doanh nghiệp tư nhân, hắn đã từng làm giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh và đã tham ô hàng trăm triệu đồng trong dự án bò lai. Vụ tham nhũng này, hắn bị kết án tù, nhưng mới ở tù được khoảng một năm, không hiểu sao hắn được tha tù. Bây giờ hắn lại làm giám đốc tư nhân.

Tuấn:

- Chẳng lẽ hắn có phép thần để thoát tội sao? Đã vậy, anh sẽ xắn tay áo lên cùng em vạch mặt gian dối của hắn lần nữa… Lão Trừng này như con rắn độc, đã đánh phải đánh dập đầu.

Trừng đột ngột xuất hiện như chui lên từ mô đất. Trừng ăn vận bảnh bao, tay xách cặp đen, mắt đeo kính trắng…

Trừng:

- Chào mọi người. Có lẽ sắp mưa nhỉ? Lại nghe nói sắp có lũ lớn vùng này. Lại nghe thấy ông gìa nói rất có thể xảy ra lũ quét ở vùng này… Nhưng thực sự thì lúc này không khí mát mẻ qúa…. Con đê làng cao lớn, cỏ mọc xanh rì, gió hây hây thổi, gặp nhau trong khung cảnh này người ta dễ dốc bầu tâm sự lắm đây… Chào mọi người lần nữa, ơ kìa, sao không ai chào lại tôi thế nhỉ?

Tuấn:

- Lao tới Trừng. Anh lại còn xoen xoét ra nói cười trước mặt chúng tôi được sao?

Trừng:

- Từ tốn gỡ tay Tuấn ra. Kìa… Ai lại mới gặp nhau đã hằm hồ thế? Có vẻ như hai anh chị chưa biết rõ về tôi lắm nhỉ. Xin tự giới thiệu nhé, tôi là giám đốc Đỗ Hữu Trừng… Vâng… Tôi nhận ra chú rồi… Chính chú trước khi đi bộ đội đã mở một cuộc đấu tranh để vạch mặt tôi… Cuộc đấu tranh đang hồi gay cấn nhất, tôi sắp sửa chết ngộp trước mặt chú thì đùng một cái chú lên đường bảo vệ Tổ quốc, thế là tôi thoát nạn… (Cười). Chú mãi đi bảo vệ Tổ quốc nên có lẽ ở nhà không có ai bảo vệ làng thành ra mới cho cái thằng làm ăn gian dối như tôi thoát nạn đấy nhỉ? May mắn thật… Nhưng này, bây giờ tôi vẫn là giám đốc đấy nhé, chắc cô nhà báo Hà Mi đã trân trọng giới thiệu tôi với chú rồi… Gập người trước Hà Mi. Xin cám ơn cô đã có lời giới thiệu. Vâng. Xin cám ơn.

Tuấn:

- Thà anh cứ sổ toẹt ra rằng, anh là cái thằng tham nhũng đê tiện tôi nghe còn lọt tai hơn, đốc với điếc cái gì loại người như anh.

Trừng:

- Cười. Trời đất, chú Tuấn này, chú nói thế nghe sao được. Cả đất nước này, có thằng điên con điên nào đang có chức có quyền lại phơi mặt ra giữa thiên hạ tự xưng mình là kẻ tham nhũng đâu nào… Không có… Thậm chí ở một số cuộc họp, nhiều khi kẻ đang tham nhũng lại phát biểu về những biện pháp trừng trị bọn tham nhũng nghe hay như đài ấy chứ… Nhưng mà thôi, đó là chuyện thiên hạ, còn với tôi, thì chiều chú vậy  nhá, đúng như chú nói, tôi công nhận tôi là một thằng tham nhũng… Mà cũng không phải tôi công nhận bằng mồm đâu nhá, quyết định của Tòa án tỉnh đã khẳng định một cách rắn rỏi trên giấy trắng mực đen rằng, tôi là một bị cáo phạm tội tham nhũng… Thì sao nào… Và khi hắn ra tù, hắn là giám đốc… Vâng… Xin trân trọng giới thiệu lần nữa, tôi, giám đốc Đỗ Hữu Trừng, xin bắt tay đồng chí bộ đội một cái nào… Kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, xin cám ơn… Cười. Chà xin lỗi, tôi lại quen miệng, cứ tưởng như mình đang đứng phát biểu trong hội nghị… Rút tay trong túi ra bắt nhưng không ngờ rơi  từ trong túi áo của Trừng mấy cái phong bì. Trừng cúi nhặt. Xin lỗi, khổ thế đấy, thời buổi bây giờ, cái áo giám đốc mang không thể theo mốt được các đồng chí ạ, các đồng chí xem đấy, túi áo giám đốc phải may to để đựng phong bì đây này… Hễ đút tay vào túi kéo ra lập tức là phong bì thôi… Thời buổi nó thế, xin lỗi nhé…

Hà Mi đưa tiếp cái máy ảnh thứ hai đang đeo trên người chụp cảnh Trừng nhặt phong bì. Trừng cười.

Trừng:

Cô có cần chụp thêm một kiểu nữa cho chắc chắn không? Không à? Máy ảnh dùng cho nhà báo chống tham nhũng tốt thật nhỉ?

Tuấn:

- Cầm cái máy ảnh đã bị bọn áo đen hồi nãy đập vỡ. Xem đây này… Chính anh đã thuê bọn lưu manh bao vây để đe doạ, đánh đập cô Hà Mi, lại còn đập nát cả máy ảnh của cô ấy…

Trừng:

- Chú Tuấn, cho chú phát biểu lại… Lời vừa rồi của chú coi như tôi không nghe đấy nhé. Nếu mà cứ như lời chú vừa nói tức là phạm tội vu khống tôi, vu khống một giám đốc doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Mà các chú ở bộ đội có xem thời sự trên ti vi không nhỉ? Nhà nước đang có rất nhiều chính sách khuyến khích và ưu ái các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như chúng tôi đấy.

Hà Mi:

- Nhà nước ưu ái các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng không phải loại doanh nghiệp như ông, làm ăn gian dối, ăn cắp tiền nhà nước một cách trắng trợn… Xem đi, con đê ông xây dựng đó, thi công như thế này thì mùa lũ đến, ông giết cả làng, hiểu chưa?

Trừng:

- Rút trong cặp ra một xếp đơn. Đây này, ba mươi tám lá đơn tố cáo tôi vì đã làm ăn gian dối, thi công sai phạm rút bớt vật tư làm cho con đê chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng nhiều chỗ… Nhân dân trong làng viết đơn tố cáo tôi gửi lên huyện đấy… Lời lẽ tố cáo rất nặng nề, có người gọi tôi là một tên tội phạm, có người sánh tôi với con chuột, có người thì gắn cho tôi cái tên mới là Trừng sâu mọt, Trừng thối tha, Trừng lừa đảo… Hôm qua huyện đã chuyển cho xã toàn bộ số đơn này để xã nghiên cứu giải quyết… Cười. Sau khi xã nghiên cứu giải quyết, kết qủa ra sao các đồng chí biết không? Tờ trình của xã đây. Rằng, mặc dù có một số thiếu sót trong thi công, nhưng do yêu cầu phải thi công gấp rút trước mùa mưa lũ, do địa bàn thi công qúa khó khăn, do thời tiết không thuận, do khâu giám sát của địa phương còn yếu, do chính quyền còn chưa cương quyết yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sửa chữa, do đó, hai chấm mở ngoặc kép, xã chúng tôi kính đề  nghị Hội đồng nghiệm thu chấp nhận cho công trình đi vào sử dụng. Nguyên văn đấy. (Cười to).

        Đột nhiên Trừng nhớn nhác nhìn và lủi nhanh. Hà Mi nhìn thấy Lan…

Hà Mi:

- Anh Tuấn… Lan của anh kìa… Đến với cô ấy đi…

Hà Mi đẩy mạnh Tuấn về phía Lan rồi cười và đi khuất.

Tuấn:

- Lan…

Hai người lao tới ôm nhau

Lan:

- Anh Tuấn… Em chờ anh cả buổi sáng nay đấy anh Tuấn ạ.

Họ vùi nhau trong một nụ hôn dài

Đột ngột hai ba bóng đen lao tới, xô Lan và Tuấn ra rồi trói ghì Tuấn và vứt xuống sông

Lan:

- Anh Tuấn…

Bóng đen:

- Đây là đòn cảnh cáo thứ nhất đối với thằng bộ đội đó… Im mồm đi… Từ nay, nếu muốn yên thân thì cô ngậm cái miệng của cô lại và đừng bao giờ lại ôm kẻ thù của bố cô trong vòng tay mình… Nghe rõ chưa?

Ba bóng đen đi nhanh. Lan lao tới bờ sông.

Lan:

- Anh Tuấn… Em đây này, cầm lấy tay em đi… Anh Tuấn… anh có sao không, anh đâu rồi….

Tuấn bò lên bờ. Lan gào tên anh và chạy tới ghì chặt lấy Tuấn.

- Anh Tuấn.

Tuấn:

- Lan… Bình tĩnh em… Lũ về rồi… Cuộc chiến bắt đầu rồi, hãy cứng rắn lên em…

 Cảnh 2

                     Trụ sở UBND xã ở bên bờ sông, kề cận bến đò ngang nhưng xa kia là một chiếc cầu bê tông.

Nghe có tiếng cười nói, xuất hiện con đò cập bến, chị Thái cầm mái chèo bước lên bờ, tay cầm sợi dây buộc thuyền. Cùng bước lên bờ là Ngọc Lan và Tuấn. Chị Thái chống mào chèo ngắm nghía Ngọc Lan và Tuấn.

Ngọc Lan:

- Kìa cô Thái, sao cô cứ nhìn bọn cháu…

Chị Thái:

- Trông chúng mày đẹp đôi lắm… Ngày xưa, cô cũng xinh đẹp, tươi tắn như cháu đấy Ngọc Lan ạ… Ngày xưa ấy mà…

Tuấn:

- Nhưng bây giờ cô vẫn xinh đẹp đấy ạ.

Chị Thái:

- Không phải động viên cô… Cô cám ơn các cháu đã đi đò… Mấy tháng nay không mấy ai đi đò của cô nữa, các cháu thấy đấy, qua sông đã có cầu bê tông rồi… Mà nếu không được chèo đò, cô không biết làm gì… không biết làm gì các cháu ạ… (lau nước mắt) Thôi không nói chuyện buồn… Hai cháu ngày nào cưới?

Tuấn:

- Thưa cô, cháu được thưởng phép mười ngày, nếu hai gia đình đồng ý, chúng cháu muốn tổ chức lễ hỏi, có thể tết này thì cưới…

Ngọc Lan:

- (Sôi nổi, mơ mộng) Cô Thái ơi, cháu nảy ra ý định thế này… Ngày cưới, cháu muốn cô dùng thuyền đưa cô dâu cơ… Anh Tuấn đón cháu bằng thuyền về nhà anh ấy… Con thuyền sẽ được trang trí thật lộng lẫy, kết đầy hoa cưới, và khi con thuyền hoa ấy ra giữa sông, chúng cháu sẽ tung những con chim bồ câu trắng lên trời… Cô thấy thế nào hả cô?

Tuấn:

- Em nói em sẽ tung những con chim bồ câu lên trời hay em tung anh xuống sông đấy. (Ngọc Lan cười).

Chị Thái:

- Ngày cưới thật đáng để mơ mộng đúng không?… Cô sẽ chiều… Cô sẽ giăng trên con thuyền của mình một cánh buồm màu tím… Hay đấy… Cô sẵn sàng chèo miễn phí trong đám cưới của các cháu… Ngày xưa ấy, cô cũng đã từng ước mơ đời mình có một đám cưới…. Cưới trên dòng sông này… Và cô dâu chú rể sẽ đứng ở mũi thuyền, ôm hoa, tay trong tay, còn bà con cô bác thì đứng hai bên bờ sông, vẫy hoa, đốt pháo mừng… Ngày xưa ấy mà….

Chị Thái nói rồi vác mái chèo như lẩn tránh ai sau gốc đa làng. Tuấn nhìn Ngọc.

Tuấn:

- Cô Thái làm sao thế em?

Ngọc Lan:

- Cô ấy tội lắm anh ạ… Chuyện dài lắm, rồi em sẽ kể… Anh Tuấn, mấy ngày nay trời sầm sập thế này, chắc là sắp mưa to, liệu việc riêng của chúng mình…

Tuấn:

- Anh cũng đang lo… Sáng sớm nay đài lại đưa tin, một cơn áp thấp có thể tràn về vùng mình… Có lẽ sẽ xảy ra lũ lụt nữa… Không biết mình có tổ chức được lễ hỏi không đây em ạ… Lo thật… Anh thực sự bối rối…

Ông Hoạ đang đi vòng vào nhà ủy ban. Ngọc Lan gọi

 Ngọc Lan:

- Bố ơi, chúng con về rồi đây này.

Tuấn:

- Con chào bố ạ.

Ông Họa:

- Sẽ mưa to đấy… Hai đứa về nhà đi, bố đang bận lắm, nhá… Bố cần phải xong cái tờ trình…

Ông Họa đi vào nhà ủy ban. Ngọc Lan và Tuấn kéo nhau đi. Ông Xưởng quyền chủ tịch bước từ cổng vào sân ủy ban thì nhìn thấy chị Thái đang cầm mái chèo lấp ló sau gốc cây đa. Ông Xưởng bước tới. Chị Thái định vác mái chèo bước xuống bờ sông, ông Xưởng bước nhanh, giữ tay chị Thái.

Ông Xưởng:

- Thái. Em đừng có trốn tránh tôi như vậy… Tôi làm việc trong ấy, em chèo đò ở đây, trốn tránh mãi sao được. (Chị Thái im lặng). Ai điên mà đi đò như ngày xưa, sao em không bỏ đò mà làm việc gì đó kiếm sống… Hay em cố tình trêu ngươi tôi?

Chị Thái:

- (Cười khẽ, nói như hát) Đã yêu thì yêu cho chắc. Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn. Đừng như con thỏ đứng đầu truông. Khi vui giỡn bóng, khi buồn bỏ đi… (Và gục đầu vào gốc đa khóc).

Ông Xưởng:

- Đang có áp thấp nhiệt đới về vùng này, có thể mưa to gió lớn, có thể có lũ, em nên buộc đò lại cho chắc mà về…

Chị Thái:

- Đò tôi đã buộc chặt hai chục năm để chờ anh rồi, anh không thấy à? Tôi buộc đò chờ anh từ ngày anh còn là anh nông dân, ngày đó tôi và anh suýt đã thành một đôi vợ chồng… Nhưng anh nói, hãy thư thư chuyện cưới để anh còn lo phấn đấu… Anh phấn đấu từ anh nông dân lên anh trưởng xóm, lên phó trưởng thôn, lên trưởng thôn, lên ủy viên hội đồng xã, lên phó chủ tịch xã, rồi bây giờ, khi chủ tịch xã bị bạo bệnh chết, anh được quyền chủ tịch xã, hai mươi năm tôi chờ anh phấn đấu… Đò tôi cột chặt vào anh hai mươi năm… Tôi đã già… Còn anh thì để phấn đấu thuận lợi, anh buộc phải làm chồng một bà góa nhưng là chị ruột của ông trưởng ban tổ chức huyện… Thế đấy… Lúc này thì anh đuổi tôi đi khỏi bến đò… Anh cắt dây buộc đò của tôi để đuổi tôi đi… Tôi hận anh lắm anh Xưởng ạ… Hận lắm… Giá như có một cơn lũ, nó cuốn anh ra biển cho khuất mắt tôi…

Ông Xưởng:

- (Lúng túng nhìn chị Thái) thì tôi đã nói rồi… Nếu có thể… Nếu em cần một đứa con để vui nhà, tôi có thể…

Chị Thái:

- Anh im đi… Nếu chỉ cần có thế, tôi đã có từ lâu rồi, không đợi anh phải gợi ý.

Ông Xưởng:

- Tôi đã giải thích với em… rằng, để cho thuận lợi trên con đường phấn đấu, tôi phải chấp nhận lấy cái bà góa ấy để vui lòng ông trưởng ban tổ chức… Nhưng cuối năm nay ông ta về hưu… Sang năm, đợi qua kỳ bầu cử, tôi lại trúng cử chủ tịch xã, tôi sẽ ly dị ngay với bà góa ấy và chúng ta sẽ…

Chị Thái:

- Tôi ghê tởm anh… (Bỏ đi).

Ông Xưởng:

- Này… Dù cô có ghê tởm tôi thì tôi cũng nói lần cuối, ngay ngày mai cô phải rời khỏi bến đò này, không được chèo đò nữa, nếu không thực hiện, tôi sẽ viết lệnh cho dân quân cưỡng chế cô đấy. Nghe rõ chưa?

Chị Thái:

- Vì sao?

Ông Xưởng:

- Không có sao giăng gì cả? Tóm lại, tôi hỏi cô, tại sao cô lại quấn quýt lấy cái con bé nhà báo Hà Mi? Tại sao? Cô không biết rằng, nó về đây, tay lăm lăm cuốn sổ, lại lăm lăm cái máy ảnh, nó định hại tôi hay sao? Tại sao cô lại giúp đỡ nó? Cho nó ở trong nhà, chèo thuyền đưa nó đi hết lượt dọc sông này, đến mọi điểm trên con đê làng? Để làm gì?

Chị Thái:

- Để làm gì à? Để vạch mặt các anh ra… Để khẳng định cho cấp trên biết rằng, bà con tố cáo những tiêu cực trong qúa trình xây dựng con đê này là có thật, rằng, với việc câu kết giữa anh và lão Trừng để ăn chia tiền bạc đã làm cho việc thi công con đê đạt chất lượng kém cỏi, rằng,  nếu  mùa lũ tới, con đê vỡ, thì chính các anh đã giết bà con… Anh hiểu chứ?

 Ông Xưởng:

- Thôi đi… Cô cút đi cho rảnh mắt tôi…

Ông Xưởng hậm hực bước vào văn phòng. Chị Thái cũng vác mái chèo đi khuất. Ông Họa thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn lén. Đợi ông Xưởng bước vào bàn làm việc, ông Họa thò nửa thân người qua ô cửa thông hai phòng, hỏi to.

Ông Họa:

- Báo có Quyền chủ tịch xã.

Ông Xưởng:

- Cái gì nữa đấy? Tôi đã thông báo rồi, từ nay, tất cả mọi thành viên trong xã đều phải gọi tôi là chủ tịch xã, bỏ chữ CU đi, có thế mà ấp úng mãi mấy ngày vẫn chưa quen miệng. Việc gấp rồi, đọc ngay tờ trình cho tôi, tôi đang chuẩn bị tài liệu cho huyện đây. Rối mù cả đầu. Quan trọng là ở đoạn kết thúc của tờ trình, phải quán triệt tinh thần của xã là bằng mọi giá chúng ta phải bảo vệ thành công danh hiệu xã đặc biệt khó khăn, tôi nhắc lại, không phải khó khăn mà đặc biệt khó khăn. Phải dành cho được danh hiệu này, phải đánh bạt ngay xã Hương Sơn, xã Hương Bưởi khỏi tiêu chuẩn này… Đọc đi.

Ông Họa:

- Phần kết đây ạ. Kính thưa các đồng chí lãnh đạo huyện và tất cả các đồng chí lãnh đạo. Tóm lại, như chúng tôi đã trình bày ở trên, xét một cách toàn diện, lại xét dưới góc độ không toàn diện, lại xét một cách cẩn thận ở góc độ tương đối toàn diện, UBND xã Vĩnh Hằng chúng tôi một lần nữa thiết tha kính đề nghị được công nhận là xã đặc biệt khó khăn. Một số tiêu chuẩn khác như thu thập của người dân phải thấp nhấp, số hộ nghèo đói đứt  bữa phải đạt từ 30% trở lên, chúng tôi xin hứa năm tới nhất định chúng tôi sẽ đạt cho bằng được. Mùa xuân đang đến, với tấm lòng thiết tha mong muốn xã nhà đạt được tiêu chuẩn xã nghèo khó, chúng tôi kính gửi đến quý cấp trên lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Ông Xưởng:

- (Vỗ tay) Tốt. Cảm động. Sâu sắc. Thế mới biết, tôi chọn ông làm chuyên gia tờ trình cho xã quả không sai. Này. Bằng linh tính của một người hoạt động trong nghề tờ trình lâu năm, ông thấy lần này nhất định xã ta sẽ được cấp trên công nhận là xã nghèo nhất chứ?

Ông Họa:

- Dạ. Báo cáo anh. Nếu anh cho phép, sau khi anh trình bày tờ trình lên huyện để chắc ăn, có lẽ chủ nhật tới, chúng ta cần phải chi ngân sách thiết kế một bữa thịt chó nữa là coi như xong thủ tục ạ.

Ông Xưởng:

- Một tờ trình kèm một bữa thịt chó… Hay đấy… Tôi chuẩn y. Thế mới biết, để đạt cho được xã nghèo nhất đâu có dễ nhỉ? Cũng phải phấn đấu kiên trì, đầy gian khổ với một sự nỗ lực rất cao, nhỉ?

Bà đơn giản nãy giờ thập thò ở cửa ủy ban nhìn hai người, đột ngột lên tiếng.

Bà đơn giản:

- Chuyện ấy có gì mà phải phấn đấu, đơn giản.

Ông Họa:

- Bà nói cái gì đơn giản?

Bà đơn giản:

- Thì chuyện phấn đấu thành xã nghèo nhất huyện ấy, đơn giản.

Ông Xưởng:

- Thôi đi. Bà thì lúc nào cũng đơn giản. y ban chúng tôi đã làm tới tờ trình thứ mười lăm, hai mươi tư cuộc họp, sáu lần lên huyện, ba lần lên tỉnh, gào rát cả họng mà vẫn còn lo chưa được đấy.

Bà đơn giản:

- Thế à? Thế mà không bảo tôi lo giúp một tiếng. Tôi mà ra tay, đơn giản….

Và cười, rồi bỏ đi. Trừng hớt hải cầm tay cô Liễu người yêu mình chạy vào rồi khi nhìn thấy ông Xưởng, Trừng  cười hớn hở.

Trừng:

- Ô giời ơi, bác Xưởng vẫn còn đây. (Quay sang Liễu). Anh nói đúng không nào, nhất định là chúng ta sẽ gặp được bác Xưởng mà lại.

Ông Xưởng:

- Cô cậu tìm tôi mà chạy như bắt cướp thế hà?

Liễu:

- Chứ lại không. Bác chủ tịch kính mến ạ, bọn em nghe tin bác lên huyện để bảo vệ cho được tiêu chuẩn xã nhà đặc biệt khó khăn, bọn em đến xin đóng góp ạ.

Trừng:

- Tụi em muốn tìm gặp bác chủ tịch xin được nhận lãnh chuyện tiếp đãi, ăn nhậu với cấp trên để các bác có thêm điều kiện bảo vệ thành công tiêu chuẩn xã nghèo. Thậm chí, tụi em xin đóng góp ngay bằng tiền mặt, bao nhiêu cũng được để các bác làm lộ phí…

Ông Họa:

- Anh Xưởng biết rồi đó, cậu Trừng là em họ tôi. Tuy nhiên, tôi cũng nói thật là cô cậu này tốt bụng với xã như vậy chắc chắn lại kèm điều kiện gì đó. Nào. Nói đi. Chỗ thân quen cả, có gì đề xuất cứ làm tờ trình gửi bác chủ tịch, nói chung là điều kiện kèm theo là gì hả? Hai chấm mở ngoặc kép?

Liễu:

- (Cười) Ôi giời ơi, bác đúng là chuyên gia tờ trình, khi nào cũng phải hai chấm mở ngoặc kép… Thế này thưa bác chủ tịch xã, thưa bác cánh tay phải của chủ tịch xã, thực sự là tụi em sẵn sàng chi phí hết mọi hoạt động của ủy ban ta trong cái vụ xin xã nhà đạt tiêu chuẩn đặc biệt khó khăn, đổi lại, tụi em… Nói thế nào nhỉ? Anh yêu?

Trừng:

- Thì cũng chẳng có gì lớn… Sau khi xã nhà đạt được tiêu chuẩn đặc biệt khó khăn, nhà nước sẽ tập trung cả tấn tiền về đây để làm các công trình điện, đường, trường, trạm… tụi em muốn được xã nhà giao cho tụi em thi công tất cả các công trình ấy… Thế thôi ạ.

Người đàn bà đơn giản cầm cái chổi tre đi qua, dừng, nhìn Trừng,Liễu.

Bà đơn giản:

- Thế thôi chứ gì? Đơn giản quá phải không? Rác nhiều nhỉ, lại thêm rác mới, hèn gì sân ủy ban bẩn quá.

Ông Xưởng:

- Bà về đi… Chúng tôi không nhờ bà quét rác… Chuyện đại sự của xã nhà, bà không nên xen vào. Bà đi đi…

Bà đơn giản:

- Phải… Việc đại sự… Đuổi một người dân ra khỏi khu vực ủy ban đơn giản quá… chào nhá…

Liễu:

- Bà già này như ma nhỉ? Em vừa nhìn thấy đã lạnh cả người.

Trừng:

- Sao các bác… Em có nhã ý như vậy, trao qua đổi về chung quy cũng vì việc công cả, xin ý kiến các bác.

Ông Họa:

- Về làm tờ trình, nhá… Nhớ có hai kính gửi, một kính gửi UBND xã, một đồng kính gửi đồng chí Phạm Viết Họa, trợ lí UBND xã. Nhớ chưa?

Ông Xưởng:

- Tôi phải lên huyện, muộn qúa rồi, đây là cuộc họp vô cùng quan trọng, không thể chậm một phút.

Trừng:

-Em đưa bác đi, bằng ô tô riêng của em, như thế mới sang trọng.

Ông Xưởng:

- Có ô tô riêng nữa cơ à, làm ăn phát đạt qúa nhỉ? Tốt. Đi ô tô lên huyện càng tốt. Ghê. Nhoằng cái, mới đấy, mới nguyên giám đốc đấy đã có tiền mua ô tô.

Người đàn bà đơn giản nãy giờ ngồi ở góc sân, nói chõ vào.

Bà đơn giản:

- Không đơn giản như thế đâu. Ngày anh ta làm giám đốc công ty thú y, anh ta với bở cả tỉ bạc bằng việc tham ô dự án bò lai sinh, anh ta dối trá báo cáo đã thụ thai nhân tạo có chửa những 10.000 con bò, nhưng rốt cuộc, qúa nửa số bò đó tuy trong báo cáo viết là có chửa thế mà mấy năm liền không thấy đẻ… Tội tham ô đấy… Bị tòa kết án 2 năm tù giam đấy… bây giờ trong túi anh ta đầy tiền tham ô kia kìa… Quan hệ với loại người đó, không đơn giản đâu.

Trừng:

- (Nhảy chồm tới)  đâu ra cái người đàn bà ác khẩu này… Tôi là tôi…

Ông Họa:

- Ấy đừng gây sự nhau tại đây… Có gì mắc mớ hai bên nên viết tờ trình lên ủy ban…

Ông Xưởng:

- (Đang vội vã xếp tài liệu cho vào cặp) Khổ thế đấy, cán bộ hễ gặp nhân dân là cãi nhau, là tờ trình, trăm dâu lại đổ cả lên đầu tôi thôi… Có xe ô tô riêng hả? Thế thì tôi phải về nhà khoác vào cái comlê, đợi nhé. (Đi rất nhanh)

Khi ông Xưởng vừa đi khuất thì Trừng cầm tay ông Họa lôi ra một góc.

Ông Họa:

- Cái gì thế?

Trừng:

- Anh nói đi, phải nói thật với em, chuyện này vô cùng quan trọng.

Ông Họa:

- Nhưng mà có chuyện gì? Tôi có bao giờ nói dối chú hả?

Trừng:

- Em có nghe anh chị nói con Lan nhà mình yêu một anh bộ đội, đúng không?

Ông Họa:

- Chú này hỏi lạ nhỉ, tôi đã nói với chú là lần này hai gia đình sẽ tổ chức lễ ăn hỏi… Thế chú chưa gặp mặt cậu bộ đội người yêu con Lan hả?

Trừng:

- Khoan đã… Cậu ta là sĩ quan?

Ông Họa:

- Yên tâm. Cậu ấy là sĩ quan trẻ, đảng viên, chú đi làm ăn mãi đâu đâu không chú ý việc nhà… Hôm nay nó mới về phép, có ghé nhà đấy… Hay chú ghé lại nhà tôi uống cốc rượu gặp các cháu luôn thể… Này, tôi tính rồi, dù là đám ăn hỏi nhưng tôi cũng quyết định làm to đấy… Mà cậu chính là hậu phương cho tôi đấy nhá… Vừa rồi, không nhờ tôi làm tay trong, chú không thể nhận được công trình xây dựng con đê làng đâu… Kiếm cũng khơ khớ đấy chứ, đúng không?

Trừng:

- Nghe em hỏi đã, có phải cậu sĩ quan trẻ ấy vừa về sáng nay có tên là Tuấn, phải không?

Ông Họa:

- Đúng. Nó là Tuấn, Nguyễn Hoàng Tuấn…

Trừng:

- Thôi chết rồi.

Ông Họa:

- Sao thế?

Trừng:

- Anh ơi… Thế này thì còn ra thể thống gì nữa hả giời… Anh nghe này, thằng Tuấn chính là cái thằng bí thư xã đoàn này ngày trước đã mở chiến dịch tố cáo em làm ăn gian dối công trình con đê làng, anh nhớ chưa? Chính là hắn. Một trăm phần trăm là hắn. Anh đã từng ôm em khóc và tuyên bố rằng, nếu mà huyện thanh tra ra vụ tham ô của em, làm mất chức giám đốc của em, tức là đã tiêu diệt một người trong dòng họ làm quan to nhất… Chính là hắn đấy anh ạ… Hắn lại vừa gặp cái con nhà báo khốn nạn Hà Mi và đang sẵn sàng hợp tác với nó để tiêu diệt em lần nữa đấy… Cái công trình đê điều này này… Anh hiểu không?

Ông Họa ớ người ra. Trừng bỏ đi.

Ông Họa:

- (Gào to) Cô Mến đâu?

Mến từ trong nhà ủy ban thò người ra.

Mến:

- Cháu đây ạ… Đánh máy cái gì hả bác?

Ông Họa:

- Đánh gấp… Lũ sắp về rồi… Tác phong lên… Nghe đây… Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc… Tờ trình… Kính gửi để trống… Chú ý, bắt đầu hai chấm mở ngoặc kép…

Nghe tiêng sấm chớp khủng khiếp. Ông Họa giật mình. Người đàn bà đơn giản kêu to

Bà đơn giản:

- Lũ to đấy bà con ơi, chuẩn bị chống lũ… Trời đất này có lũ quét đấy, không đơn giản đâu…

Bà đơn giản bỏ chạy. Vẫn sớm chớp đùng đùng. Một tiếng sét rất lớn làm ông Họa giật mình trượt chân ngã. Cô Mến lao ra đỡ lấy ông Họa.

Cô Mến:

- Bác có sao không hả bác.

Ông Họa:

- (Hét với cô Mến) Mặc tôi ở đây… Vào nhà ngay… Đánh máy nhanh lên… Hai chấm mở ngoặc kép… Nghe rõ chưa?

Lại một tiếng sét nữa… Sân khấu tối sầm…

 Cảnh 3.

Nhà của Ngọc Lan. Một ngôi nhà ngói to lớn. Có thể nhìn xa thấy dòng sông chảy qua làng, xa hơn một chút còn nhìn thấy những dãy núi xanh mờ. Mưa to. Lan và Tuấn cùng ngồi trên võng đung đưa… Ngọc Lan nhìn Tuấn cười khúc khích…

Tuấn:

- Sao em cứ nhìn anh mà cười vậy?

Ngọc Lan:

- Còn nhớ, năm ngoái, cũng vào cữ này tiểu đoàn bộ đội các anh về đây giúp dân chống lũ… Chúng mình yêu nhau trong trường hợp thật lạ anh nhỉ? Cứ như trong phim vậy… Nhớ lại em cứ buồn cười…

Tuấn:

- Sao lúc đó em không cười? Xem nào, anh nhớ rồi, em đang chỉ huy một đội thanh niên xung kích cứu dân, rồi em bị nước lũ cuốn, anh đã lao theo, phải khó khăn lắm anh mới kéo em vào bờ… Người em mềm nhũn, cái bụng căng tròn đầy nước, anh phải… (Cười to) Anh đã ngậm miệng mình vào miệng em để hà hơi… Thế là coi như anh đã hôn được em trước khi yêu, đúng không?

Lan:

- Bộ đội các anh ghê lắm… Vừa giúp dân chống lũ vừa tranh thủ xây dựng tình yêu với gái làng luôn thể… Ghê lắm….

Tuấn:

- Thì chúng ta có xa lạ gì nhau… Hai đứa cùng xã, anh làm bí thư, em làm phó bí thư… Nhưng công nhận hồi đó em rất kiêu, chẳng thèm nhìn mặt anh, cứ tơ tưởng cái anh gì gì kỹ sư nông nghiệp trên huyện cơ… May anh đi bộ đội, lại theo đơn vị về làng chống lũ, lại cứu sống em, nếu không chắc em không yêu anh đâu nhỉ?

Hai người đang cười to, và ôm ghì nhau, rồi lặng cười và hôn nhau thì chợt buông nhau ra, nhìn ra cửa. Ngọc Lan vội kéo ri-đô che cái võng lại.

Ông Họa rùng rùng bước vào nhà

Bà Lý vợ ông Họa bước ra nhìn chồng….

Bà Lý:

- Kìa ông… ướt hết cả rồi…

ông Họa:

- Mặc tôi. Rượu.

Bà Lý:

- Phải rồi… Rượu đây, ông uống một cốc cho ấm người… Khổ… Quanh năm suốt tháng cứ bấn bíu với việc làng việc nước thế này, ốm thì khốn…

Ông Họa:

- Điếu thuốc lào.

 Bà Lý:

- Đây này ông, điếu của ông đây.

Tuấn và Ngọc Lan rụt rè bước ra

Tuấn:

- Chúng con chào bố ạ.

Ông Họa:

- Ngẩng lên nhìn Tuấn gườm gườm… Sao? Tóm lại là hoãn đám hỏi hả?

Tuấn:

- Thưa bố, không còn cách nào khác ạ… Mưa gió này sẽ lũ lớn phải không bố?

Ngọc Lan:

- Bố đừng buồn bố ạ… Có thể, năm ba ngày hết mưa lũ, chúng con sẽ lại xin phép bố mẹ tổ chức lại… Còn tình hình này phải hoãn thôi bố ạ…

Ông Họa:

- Đúng… Hoãn… Bây giờ chúng mày nghe đây… Đám hỏi của chúng mày không phải hoãn một ngày, một vài tháng, mà hoãn vĩnh viễn… Chúng mày nghe rõ chưa? Hoãn vĩnh viễn…

Bà Lý:

- Kìa ông… ông chưa say đấy chứ?

Ông Họa:

- Tỉnh như sáo đây này, say cái gì? Với Tuấn. Từ giờ này, cậu không còn là con rể của tôi nữa, không bao giờ, thế thôi. Nếu cậu có thắc mắc gì với quyết định của tôi thì viết tờ trình nhá, tôi lộn về nhà để tuyên bố một quyết định như vậy. Tôi còn phải lên ủy ban xã….

Ngọc Lan:

- Bố… Tại sao lại như vậy? Phải có lý do gì chứ bố, tại sao bố lại như vậy?

Ông Họa:

- Tại sao a? Chỉ tay vào Tuấn. Tại sao hả? Là tại vì chúng tôi gả con gái chúng tôi cho anh là những mong vợ chồng anh chung sống xây dựng quê hương này, làng xã này chứ không phải để anh có cơ hội liên kết với báo chí để phá hoại xã nhà nhá. Hiểu chưa? Anh được đơn vị cho về phép là để tổ chức đám hỏi với con gái tôi chứ không phải để liên kết với con nhà báo Hà Mi Hà Miếc bôi nhọ thanh danh của chúng tôi, chống phá chúng tôi, hiểu chưa? Tôi muốn trong nhà tôi có một thằng con rễ ngoan ngoãn chứ không phải vác về đây một thằng con rễ dám bôi nhọ, chống phá xã nhà, mà xã nhà chúng ta lại đang phát triển  dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí quyền chủ tịch xã Lê Minh Xưởng đang lăn bánh vèo vèo trên con đường công nghiệp hóa nông thôn thì anh về, cùng với con bé nhà báo, chọc gậy vào bánh xe lịch sử xã nhà là nghĩa làm sao hả?

Tuấn:

- Bố… Bố bình tĩnh nghe con nói đã… Chuyện tiêu cực trong qúa trình thi công con đê làng của doanh nghiệp ông Trừng là có thật bố ạ… Nhà báo Hà Mi đã điều tra được nhiều chứng cớ, việc nhân dân trong xã viết đơn tố cáo là có căn cứ… Từ ngày con chưa đi bộ đội, chính con và Lan cũng đã tố cáo ông ta thi công gian dối… Ngày đó bố chưa làm việc ở ủy ban nên chưa biết… Con chỉ tiếc là sau khi con đi bộ đội mọi việc lại chìm xuống… Bây giờ thì sau mấy năm, con đê đã xong, đã nghiệm thu… Nguy hiểm là ở chỗ, nếu lũ lớn, con đê đang được thi công gian dối sẽ vỡ, nguy hiểm đến tính mạng hàng ngàn con người…

Ông Họa:

- Ví dụ có chuyện đó thì đó là việc của lãnh đạo, của thanh tra, không phải việc của anh… Các anh là bộ đội, việc các anh là cầm súng bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm, trong các bài tập huấn luyện làm một người chiến sĩ người ta dạy các anh cách cầm súng, cách xung phong, cách vượt qua hàng rào mìn, người ta không dạy các anh về xã này chống tiêu cực nghe rõ chưa? Thế hóa ra, nếu thực sự tôi cũng có vi phạm thì lại chính anh, con rễ tôi, chính anh lại vạch tôi ra trước bàn dân thiên hạ chứ gì? Đúng không?

Tuấn:

- Thưa bố… Nhưng nếu bộ đội chúng con ngày đêm cầm súng lo chống giặc để tại địa phương, có một lũ giặc khác, lũ giặc tham nhũng, lũ giặc cường hào, quan liêu, lộng quyền, phá nát cuộc sống kinh tế của nhân dân, để rồi nếu không ngăn chặn và trừng trị, lũ giặc này sẽ phá nát đất nước này ra thì chúng con cầm súng chống giặc ngoại xâm để bảo vệ cái gì nữa đây.

Ông Họa:

- Hả? Lũ giặc nào? Xã này, địa phương này đang ngày một đi lên phơi phới, đang chuẩn bị được cấp trên công nhận là xã nghèo khó đặc biệt khó khăn để đầu tư xuống đây hàng chục tỉ đồng xây dựng điện đường trường trạm, tương lai phơi phới như vậy có lũ giặc nào? Thế anh coi em tôi là giặc sao? Hả? Tôi nói cho anh biết, giám đốc Trừng chính là em họ tôi, nghe rõ chưa?

Tuấn nhìn Ngọc Lan. Ngọc Lan rụt rè gật đầu.

Bà Lý:

- Với Tuấn. Xin lỗi bố đi con… Là vì con không biết chú Trừng là em họ bố nên con mới làm vậy, nay con biết rồi thì con rút lui, không đấu tranh đấu triếc gì nữa… Con nói với bố như vậy đi… Kìa ông, ông nghe con nó xin lỗi đã nào…

Tuấn xách ba lô khoác vào người. Ngọc Lan hoảng hốt.

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn…

Ông Họa:

- Đúng… Đi đi… Tôi không muốn nhìn mặt anh…

Bà Lý:

- Trời ơi… Sao lại thế này hả trời…

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn… Anh trở lại đơn vị thật ư? Bố… Chẳng lẽ bố không thương con sao bố?

Ông Họa:

- Tôi đang bận cùng lãnh đạo xã triển khai chống lũ… Tôi hy vọng khi quay về, tôi không nhìn thấy anh ở trong nhà này nữa, thế thôi…

Bỏ đi nhanh. Bà Lý lúng túng nhìn mọi người rồi vội vã chạy theo chồng…

Bà Lý:

- Ông ơi… đợi tôi đã, không thể như thế được mà…

Bà Lý chạy theo chồng, Ngọc Lan ngồi thụp xuống khóc, Tuấn nhìn Ngọc lan, tay anh vân vê quai ba lô…

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn… Anh phải làm gì đi chứ? Anh không thể quay lại đơn vị bỏ em như thế này… Không thể được anh ạ… Cuộc đấu tranh đang tiếp tục… Chúng ta không chỉ phải đấu tranh với lão Trừng, còn phải đấu tranh với bố… Trước, cuộc chiến đang dang dở, anh đi bộ đội, một mình em không chống lại được sức mạnh liên kết của họ… Nay có thêm anh rồi, anh mà đi là chúng ta lại thua lần nữa…

Tuấn:

- Anh sẽ ở lại… Nhất định là chúng ta không thể thua lần nữa… Bây giờ có thêm bố anh, có thêm cả làng cả xóm, nhất định là chúng ta sẽ vạch mặt được lão Trừng… Nhưng có thể, vì chuyện này, như bố em đã tuyên bố, vĩnh viễn chúng ta không được sống cùng nhau….

Ngọc Lan:

- Em đã từng nghe bố anh nói rằng, vì lợi ích của cả xã, tạm thời chúng ta không gần nhau… Chúng ta cần một sự hy sinh vào lúc này phải không anh?

Tuấn:

- Lan… Em không buồn chứ?

Lan:

- Anh Tuấn… Nếu chúng ta vì hạnh phúc của chúng ta mà thỏa hiệp đấu tranh tức là chúng ta phản bội niềm tin của bà con mình phải không anh?

Họ ôm nhau, nghe có tiếng người. Trung tá Chiến khoác ba lô bước vào. Tuấn rời Lan chạy ra.

Tuấn:

- Thủ trưởng.

Chiến:

- Đây hả? Cô gái mà đêm nào cũng chong đèn viết thư đây hả? Xinh qúa.

Ngọc Lan:

- Cháu chào chú ạ.

Tuấn:

- Bọn em tạm hoãn đám hỏi rồi thủ trưởng ạ…

Chiến:

- Hoãn là phải… Lũ đang về… Cả tiểu đoàn của chúng ta nhận được lệnh của Quân khu về tập kết tại vùng này để giúp bà con chống lũ đây… Anh em đang đóng quân ở ngoài con đê làng kia kìa…

Tuấn:

- Kìa thủ trưởng… Không thể đóng quân ngoài đê làng được đâu… Con đê ấy…

Ngọc Lan

- Anh Tuấn… Đừng…

Chiến:

- Có chuyện gì thế?

Tuấn:

- Thủ trưởng, đi ngay với em… Có chuyện này quan trọng lắm thủ trưởng ạ… Gấp lắm thủ trưởng ạ…

Tuấn kéo tay thiếu tá Chiến ra khỏi nhà.

Ngọc Lan định chạy theo thì nhìn thấy mẹ cô đang buồn bã đi vào…

Bà Lý bước vào, nhìn Lan…

Bà Lý:

- Vừa nói vừa khóc. Mẹ đã nói với con rồi. Cái tính thằng Tuấn thẳng như ruột ngựa… Lần này thì bố con từ mặt cậu Tuấn thật rồi… Không hỏi cưới, vợ chồng gì nữa đâu con ạ…

Nhà báo Hà Mi lao vào

Cả nhà im lặng căng thẳng.

Ngọc Lan:

- Chị Hà Mi… Thực sự là bố em cũng dính vào vụ tiêu cực này, cũng bị chú Trừng mua chuộc sao?

Hà Mi:

- Bà con đã tố cáo đúng em ạ.. Rất tiếc, bác nhà cũng dính vào….

Bà Lý khóc.

Bà Lý:

- Các con ạ… Mẹ không biết gì hết trong chuyện này… Không biết gì hết… Đời mẹ lớn lên, lấy chồng sinh con, tất tả với bao lo toan trong nhà, những mong cho chồng con mình ấm êm, đủ ăn đủ mặc… đừng trách mẹ… Mẹ không biết bố con làm những gì ngoài xã… Mẹ không biết thằng Trừng và bố con quan hệ như thế nào đâu… Đừng trách mẹ…

Ngọc Lan:

- Mẹ… Có ai trách mẹ đâu nào… Mẹ đừng khóc…

Bà Lý:

- Nhưng mẹ bắt đầu thấy lo lắm… Hình như đang có một tai họa…

Hà Mi:

- Kìa bác… Chuyện đã đâu vào đâu mà bác cả nghĩ thế ạ… Miễn là bác ủng hộ cho chúng con tìm ra sự thật, trắng đen rõ ràng đúng như nguyện vọng của bà con mình trong các đơn tố cáo…

Bà Lý:

- Mẹ xin các con đừng làm gì cả… Đừng làm gì cả, đau lòng lắm mà…

Người đàn bà đơn giản ướt sũng nước, lập cập bước như bò vào nhà trước sự ngạc nhiên của mọi người.

Bà đơn giản:

- Mọi người không nghe gì hết à? Không nghe tiếng nước lũ đang đổ xuống sầm sập à? Không nghe tiếng kêu khóc, cầu cứu của nhiều người dân ở xóm 2 à? Đơn giản nhỉ?

Hà Mi:

- Sao ạ? Lũ về và đã có người chết vì lũ, có phải ý bà nói như thế không ạ.

Bà đơn giản:

- Không trách được. Vùng này cao ráo, lại ở xa sông, không nghe tiếng kêu khóc của người bị lũ quét là phải. Xóm 1 bị cuốn trôi rồi, mười hai nóc nhà, sáu chục mạng người bị nước cuốn trôi rồi, sắp tới sẽ đến xóm 2, tình hình thế đấy, không đơn giản đâu.

Bà Lý:

- Thế còn tại ủy ban? Tại ủy ban xã, có sao không?

Bà đơn giản:

- Tại ủy ban hả? Anh nhân viên bảo vệ chết ngay tức khắc khi một cây rừng lao vào người. Số người còn lại đang vẫy vùng trong thác lũ, không biết ai sống ai chết…

Bà Lý:

- Ôi trời ơi, nhưng ở đó đang có chồng tôi… Các con ơi, phải làm sao đây, phải cứu bố…

Đột ngột tiếng thác nước ào vào gần. Mọi người xô giạt bên nhau. Tuấn lao vào.

Tuấn:

- Lan ơi, tình hình gấp lắm rồi. Phải tổ chức lực lượng thanh niên cùng bộ đội sơ tán bà con ở vùng thấp lên núi ngay, đi thôi em.

Tuấn và Ngọc lan lao vụt ra khỏi nhà. Hà Mi chạy theo.

Bà Lý cầm lấy tay bà Đơn Giản.

 Bà Lý:

- Nhưng mà tại sao mọi người bị lũ quét thế mà bà còn về được tới đây, bình an vô sự? Hay bà nói dối? Ông nhà tôi không hề hấn gì chứ, nơi đó vẫn chưa bị lũ cuốn chứ?

Bà đơn giản:

- Đến lúc này thì cái ông chồng của bà cũng đã bị nước lũ cuốn ra sông rồi, không chết cũng thẳng cẳng rồi, không đơn giản như bà nghĩ đâu.

Người đàn bà đơn giản bỏ đi

Bà Lý sững sờ…

Cảnh 4.

Bờ đê dọc sông. Tiếng thác lũ. Tiếng kêu khóc. Tiếng hò hét náo động. Tiểu đoàn trưởng Chiến lao lên bờ đê…

Chiến:

- Gọi to. Các đồng chí lao thuyền về xóm 1 nhá… Khẩn trương lên…

Chiến nói to và chạy khuất. Ngọc Lan cùng hai người lính là Lương và Hoàng cùng chạy ra.

Ngọc Lan hốt hoảng gọi to

Ngọc lan:

- Anh Tuấn, cẩn thận anh Tuấn ơi… Quay sang Lương và Hoàng. Anh Lương, anh Hoàng, làm sao bây giờ, một mình anh Tuấn với con thuyền nhỏ và mấy chục người dân kia kìa, nước đang chảy xiết lắm, nguy hiểm lắm…

Hoàng:

- Tuấn ơi… Tuấn… Bọn tớ sẽ bơi ra ngay bây giờ…

Tiếng của Tuấn:

- Đừng…. Nước chảy xiết lắm… Không bơi được…

Lương:

- Tuấn… Cậu lái thuyền vào bờ, nhanh lên…

Tiếng của Tuấn:

- Các cậu tìm cách về xóm 2, nhanh lên, về xóm 2…

Hoàng và Lương lao đi. Ngọc Lan gọi to…

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn… Gắng lên anh Tuấn… Một chút nữa, một chút nữa… Thế thế…

Ngọc Lan lao xuống bờ, đỡ Tuấn bước lên…

Tuấn:

- Lan… Em đưa bà con về xóm 3 đi, chỗ ấy chưa ngập, có cả trẻ em, người gà đấy, đưa họ đi đi… May qúa. Nếu anh không đến kịp thì nước đã cuốn trôi cả xóm…

Ngọc lan:

- Nhưng anh đang mệt lả thế này, anh phải nghỉ đã…

Tuấn:

- Còn nhiều nơi đang ngập lũ… Anh phải đi cứu dân… Cả tiểu đoàn của anh đang tỏa đi khắp nơi, ở đây lại không có người… Em mặc anh, đưa bà con lên chỗ an toàn đi… Anh đi đây…

Tuấn chạy đi.

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn, hãy cẩn thận…

Và cũng chạy đi.

Nhoài người lên mặt đập là ông Xưởng quyền chủ tịch xã, Trừng và Liễu – người của Trừng.

Ông Xưởng:

- Hoảng loạn, cuống quýt, ướt sũng, đầu tóc bù xù, áo rách, đang sờ mó khắp người rồi kêu lên. Thôi rồi, tài liệu của tôi lên huyện họp rơi rồi, trôi rồi, những cái tờ trình bào cáo huyện xét tiêu chuẩn xã đặc biệt khó khăn rơi hết rồi…

Liễu ngã dúi vào Trừng. Trừng cũng ngã dúi xuống đất.

Liễu:

- Này… Cái ông hâm… Bây giờ là mạng sống hiểu chưa? Nước đang lên vùn vụt kia kìa, làm cách sao thoát khỏi đây không là chết… Còn tờ trình tờ triếc, báo cáo báo kiếc cái gì nữa hả giời…

Trừng:

- Này nhá… Vì lấy ô tô chở ông lên huyện mà bây giờ ô tô của tôi đã bị nước cuốn trôi nhá, mất cả trăm triệu đồng tiền tài sản nhá, cụ thể như thế tôi còn phải ngậm đắng nuốt cay nữa là mấy cái tờ trình của ông thì có ý nghĩa vật lý cái gì… Nói xem nào, gần đây có thuyền không?

Ông Xưởng:

- Này… Chúng mày mở mắt ra mà nhìn kia kìa… Con đê này chính chúng mày xin xã để thi công… Thế đấy, dối trá, mới một mùa nước lũ, thân đê đã bị xói lở, sụt lún, xem kia kìa… Giời ơi, tao đã dặn rồi, có bớt xén thì bớt xét tí chút… một vừa hai phải, cố gắng để đảm bảo chất lượng công trình kha khá một chút, ít ra cũng phải an toàn được vài mùa lũ, nào ngờ…

Trừng:

- Bớt xén tí chút hả? Nhưng bác còn nhớ là khi em đưa cho bác tiền hoa hồng nhận thầu, sao lúc đó bác không nói là chỉ nhận tí chút cho phải phép, sao em đưa bác bao nhiêu bác cũng cầm?

Ông Xưởng:

- Tao không biết… Tao không dính dáng đến công việc của chúng mày nhá… Nếu mà cái đê vỡ, thì chúng mày sẽ vô tù cả nút nhá…

Trừng:

- Lao đến. Nghe tôi hỏi không, muốn có thuyền thì huy động ở đâu ra… Nước đang lên, một chút nữa là tất cả bị dìm chết trong lũ… Nghe rõ chưa? Còn con đê tốt xấu thế nào thì kệ cha nó, hiểu không? Tôi làm đấy, tôi nhận thi công con đê này đấy và các ông đã nghiệm thu, hiểu chưa, đã nghiệm thu tức là bây giờ con đê đã thuộc về tài sản xã hội chủ nghĩa nhá, nó có hề hấn gì thì toàn bộ xã hội phải chăm lo cho nó nhá, tôi không còn trách nhiệm nào nữa, hiểu chưa ông quyền chủ tịch xã….?

Ông Xưởng:

- Tao làm Chủ tịch, không có quyền cót gì cả, nói năng cho đàng hoàng…

 Liễu:

- Giời ơi, nước lên sát mặt đập rồi đây này, thuyền đâu? Chủ tịch hay quyền chủ tịch hay giám đốc giám điếc chi cũng cần phải kiếm được thuyền ngay lúc này không thì thành thây ma hết, nghe rõ không hả giời?

Trừng kéo Liễu lại bên cái chòi canh.

Trừng:

- Em bình tĩnh, nếu nước còn lên nữa, anh và em trèo lên mái chòi canh rồi chờ người đến cứu, không chết đâu mà sợ…

Ông Xưởng:

- Dừng lại. Hai người được lên đó. Chòi canh này là của địa phương chúng tôi… Lúc này tôi cần lên đó để lãnh đạo địa phương chống lũ.

Trừng:

- Sĩ diện… Nói mẹ nó ra là cho tôi lên cùng để thoát chết có phải hơn không… Lãnh đạo địa phương, nghe ruồi nói cười…

Ông Xưởng:

- Tôi làm gì kệ xác tôi nhưng cô cậu phải đi chỗ khác, không được lên đó… Đi đi…

Liễu:

- Anh Trừng… Nguy rồi… Lũ tràn mặt đê rồi, nguy rồi…

Trừng:

- Leo lên chòi nhanh lên…

Ông Xưởng:

- Tránh ra… Để tôi lên… Anh không phục tùng mệnh lệnh của tôi sao… Ngày thường, trước mặt tôi anh rúm ró, khúm núm, chịu nhẫn nhục lắm cơ mà…

Trừng:

- Cười khẩy. Mẹ kiếp… Ông ngu thế, ông làm lãnh đạo mà ngu thế? Ông tưởng, hàng ngày tôi rúm ró, khúm núm, nịnh bợ, chịu nhẫn nhục trước ông là chúng tôi sợ ông à? Là chúng tôi kính trọng ông à? Nhầm. Nhầm. Trần Văn nhầm. Lê Thị Nhầm. Phạm Thị Bích Nhầm nhá. Là chúng tôi đang khúm núm, đang nhẫn nhục, đang rúm ró trước những đồng tiền đấy, ông hiểu chưa? Là vì ông còn nắm trong tay những dự án xây dựng điện, đường, trường, trạm… Là vì chúng tôi phải ăn tiền ở các công trình ấy… Hiểu chưa? Còn bây giờ a? Là sống và chết… Chúng tôi cần sống… Chòi này chỉ đủ sức gánh được hai người, thêm ông nữa, chòi sẽ gãy sập, nên phải biến ngay sang chỗ khác, biến ngay, để chúng tôi được sống, hiểu chưa?

Liễu:

- Trời ạ, chết đến đít rồi còn cãi nhau cái gì nữa…

Ông Xưởng:

- Câm mồm… Lũ mấy dạy chúng mày… Cút ngay…

Trừng:

- Quay người đạp rất mạnh, ông Xưởng chới với rơi xuống dòng nước lũ, kêu gào, còn Trừng và Liễu thì cười. Biến nhá… Hết nhá… Mất ông chủ tịch xã này thì người ta bầu ngay ông khác nhá, quan nhất thời dân vạn đại nhá… Biến đi nhá…

Liễu:

- Anh Trừng… Chòi sắp gãy rồi… Làm sao bây giờ anh Trừng… Em thì không biết bơi anh Trừng ạ… Hay anh xuống đi, bơi đi, tìm con thuyền nào đó hoặc gọi người đến cứu… Nhanh lên anh Trừng… Nghe em đi anh Trừng… Em yêu anh…

Trừng:

- A ha… Cô nói hay nhỉ… Chính xác là cái chòi này không thể nào chứa được hai người chứ gì? Chính xác là nếu hai người ở trên cái chòi này thì cái chòi sẽ gãy đổ, sẽ chết ngủm củ tỏi cả chứ gì… Nên cô mới buộc tôi rời khỏi chòi để cho cô sống một mình chứ gì… Cô xúi tôi vào chỗ chết để rồi cô lại gào lên em yêu anh chứ gì… A ha…. Khôn đáo để nhỉ… Đàn bà khôn nhỉ? Sau khi tôi bị lũ cuốn thì tài sản của tôi cô sẽ lấy hết chứ gì, hưởng một mình chứ gì… Đưa đây, đưa ngay cái túi tiền của tôi đây…

Liễu:

- Anh Trừng… Anh đừng nói như vậy… Em yêu anh… Hãy cứ để cái túi này em giữ, anh bơi đi tìm thuyền đi mà… Đi đi anh yêu…

Trừng:

- Đưa cái túi đây… Cô tưởng tôi không biết cô đang mưu toan gì hay sao? Yêu à? Cô yêu tôi hả? Yêu cái con khỉ? Ví dụ như tôi hết tiền thì cô có bám đít tôi nữa hay không? Đưa đây…

Liễu:

- Được rồi, em đưa, em đưa cho anh ngay bây giờ, đây anh này, đây này… đây này…

Liễu co chân đạp rất mạnh vào người Trừng. Trừng chới với rồi ghì tay vào cột chòi và kéo giật Liễu rơi xuống, tay giật nhanh cái túi và đạp mạnh cho Liễu rớt xuống dòng lũ và cười hô hố.

Trừng:

- Chào nhé, cưng đi nhé… Chào nhé em yêu… Rồi trèo lên cao, nhìn trước ngó sau và gào lên. Các đồng chí ơi, cứu… Tôi đây… Cứu… Các đồng chí ơi quay thuyền vào đây…

Tuấn xuất hiện. Anh lao tới bên cái chòi, tay vẫn giữ chặt dây thuyền. Trừng nhìn thấy Tuấn. Trừng ở trên chòi, Tuấn ở dưới thuyền, hai người lằm lè nhìn nhau.

Tuấn:

- Những người cùng đi theo anh đâu cả? Họ đâu cả? ông Xưởng Chủ tịch xã ở đâu?

Trừng:

- Kìa chú Tuấn… Cho anh xuống thuyền đi đã… Đồng chí chủ tịch xã đang đi chỉ đạo chống lũ, sao lại hỏi anh.

Tuấn:

- Nói láo… Có phải chính là anh đã đẩy ông Xưởng xuống dòng lũ không?

Trừng:

- Liên can gì đến chúng ta… Tuấn ạ, hãy giúp anh xuống thuyền, anh hứa với chú là khi vào tới nơi an toàn, anh sẽ trả công cho chú xứng đáng.

Tuấn:

- Đập tay vào ngực áo. Tôi chỉ tiếc là đang cơn lũ lớn, phải lo cứu dân, còn nếu không, với những bằng chứng mà nhà báo Hà Mi và chúng tôi thu thập được về quá trình thi công gian dối con đê này, nhất định anh sẽ bị lôi mặt ra ánh sáng… Xem kia kìa, những lỗ rò, những mái đê đang nứt toác, sạt lở, gãy đổ trước con nước kia kìa…

Trừng:

- Khoan đã… Hãy nghe tôi giải thích… Rằng, đúng là con đê này tôi đã thi công láo toét, đã rút ruột công trình, đã làm ăn gian dối, đúng, đúng, đúng, nhưng tôi rút ruột không cho một mình tôi. Tôi rút ruột được mười đồng thì phải chi ra bảy đồng, cho ủy ban xã, cho chủ dự án, cho bộ phận thiết kế, khảo sát, nghiệm thu, cho cả hội đồng… Tình hình là như vậy… Chú phải thông cảm cho tôi…

Tuấn:

- Qua lũ, chính tôi sẽ vạch mặt anh ra trong vụ này.

Trừng:

- Này… Chú mày là bộ đội nhá, bộ đội thì lo việc của bộ đội nhá, lo bảo vệ biên giới và hải đảo thân yêu của Tổ quốc nhá, việc quái gì mà cứ nhúng mũi vào công việc của bọn tôi hả?

Tuấn:

- Anh nói phải lắm… Chúng tôi lo bảo vệ hòa bình, an ninh xã hội, bình yên cuộc sống là để đất nước có điều kiện tiến lên chứ không phải để lũ sâu mọt như các anh câu kết với nhau, đục khoét, làm giàu, dối trá, tham nhũng… Chúng tôi không phải đi làm cái lá chắn cho các anh tránh đạn để làm ăn gian dối, nghe rõ chưa?

Trừng:

- Thôi im đi… Mày đã từng vạch mặt tao, đưa tao vào tù, bây giờ mày lại còn định vạch mặt tao lần nữa hay sao? Đừng hòng nhá. Đừng hòng. Mày tưởng mày không cứu tao thì tao sẽ chết hay sao? Hả? Sẽ chết này…

Trừng nhảy ào xuống thuyền của Tuấn. Cả hai vật lộn nhau trên thuyền. Tuấn đánh ngã Trừng, đè nghiến anh ta xuống thuyền.

Tuấn:

- Nằm yên đấy, thằng chó… Bây giờ mày thích chết theo kiểu gì đây?

Trừng hốt hoảng đưa thẳng tay lên, mếu máo.

Trừng:

- Này… Xin có ý kiến..

Cảnh 5.

Tại ủy ban nhân dân xã. Bến đò. Nước ngập. Chị Thái đang cố sức kéo ông Xưởng lên thuyền của mình. Ông Xưởng nằm vật trên thuyền thở…

Ông Xưởng:

- Khóc. Tôi sống rồi phải không? Tôi sống thật rồi phải không? Thái ơi, chính em đã cứu tối sống rồi phải không?

Chị Thái:

- Cũng khóc. Nhưng bà con  chết nhiều lắm anh có biết không. Cả ba đứa trẻ con ở xóm 2 cũng bị lũ cuốn trôi rồi, có một đứa đang bú mẹ… Lũ cuốn họ ra biển cả rồi… Anh thì sống… Anh làm chủ tịch xã mà anh không đau đớn gì về việc bà con bị lũ cuốn hay sao hả anh?

Ông Xưởng:

- Em đã cứu tôi, con thuyền của em đã cứu tôi… Thằng Trừng đã xô tôi xuống dòng lũ… Thằng khốn nạn… Trời ơi, nếu tôi không gặp được thuyền của em thì tôi đã chết rồi Thái ạ… Đã chết rồi… Mà chỉ còn vài tháng nữa là tôi sẽ được cấp trên ra quyết định chính thức làm Chủ tịch xã… Cám ơn em Thái ạ, em đã cứu tôi…

Chị Thái:

- Anh im đi… Tôi cứu anh không phải để anh nhận được quyết định Chủ tịch xã… Tôi cứu anh như cứu một con người… Mấy ngày vừa rồi, anh cứ đuổi tôi đi, không cho tôi chèo thuyền để anh được yên ổn, bây giờ thì chính con thuyền của tôi đã cứu sống anh đấy, anh hiểu chưa?

Ông Xưởng:

- Tôi biết rồi, con thuyền của em đã cứu tôi… đã cứu tôi… Hãy đưa tôi về nơi an toàn… Hãy đưa tôi lên thẳng trên huyện… Tôi đang có một cuộc họp trên đó để báo cáo với huyện, để xin huyện công nhận xã ta đặc biệt khó khăn, hãy giúp tôi đi…

Chị Thái:

- Bước tới cầm lấy cổ áo ông Xưởng, tiếng chị nghèn nghẹn. Trời ơi, nếu mà tôi biết anh là người như thế này thì tôi đã không cứu anh sống… Lúc này đây, anh cần phải làm gì anh biết chứ? Anh là chủ tịch xã này cơ mà… Nhân dân đang nguy khốn trong lũ quét, anh phải chỉ đạo, phải tìm mọi cách cứu dân chứ… Anh không mở mắt ra mà nhìn à? Cậu Tuấn cùng với các chiến sĩ đang vật lộn trong mưa bão để cứu dân… Anh phải làm gì đi chứ? Cái anh chàng Xưởng vâm váp, thông minh, hăng hái ngày xưa đâu rồi, cái người đàn ông mà tôi yêu, thương, kính trọng, tôi đắm say ngày xưa đâu rồi? Hay anh mãi đeo đuổi chí hướng chức vụ mà quên rằng, cái chức vụ cao cả nhất, sáng trọng nhất của anh chính là phải làm một người đàn ông cho đàng hoàng, một thằng đàn ông đúng nghĩa của một thằng đàn ông… Trời ơi, anh Xưởng, thà anh làm một người đàn ông mạnh mẽ, sống vì mọi người, hy sinh vì mọi người thì tôi vẫn mang lòng yêu anh, trọng anh còn hơn là anh làm chức này vụ khác mà đơn hèn anh hiểu không?

Ông Xưởng lập cập đứng dậy, quần áo rũ rượi.

Ông Xưởng:

- Ai bảo tôi đớn hèn? Ai? Tôi là tôi không chịu nhục cho cô chửi tôi đâu nhá… Tôi không chịu nhục đâu, cô hiểu không? Cô xem đây này, tôi không đớn hèn như cô lầm tưởng đâu, cô hiểu không? Cô xem đây này, tôi không đớn hèn như cô lầm tưởng đâu, đừng hòng…

Ông Xưởng lao ngay xuống nước.

Chị Thái:

- Ôi trời ơi, anh Xưởng… Anh Xưởng…

Chị Thái hốt hoảng chèo thuyền theo ông Xưởng.

Đột ngột từ trên một cây cột, người ta nhìn thấy ông Họa đang đeo bám vào cột hét.

Ông Họa:

- Này… Còn tôi nữa cơ mà… Quay lại, quay thuyền lại cứu tôi đi chứ… Nhà ủy ban trôi rồi, tôi đang đeo lấy cột để thoát chết không thấy à? Trời ơi… Quay lại…

Cô Mến đánh máy đang run lẫy bẫy trên chiếc bàn, ngó lên nhìn ông Họa.

Cô Mến:

- Bác đứng cao thế, chết sao được mà chết… Bác coi em đây này, nước sắp ngập bàn rồi, đang chuẩn bị xô cái bàn ra sông rồi, em đang chết đây này, bác không thấy hay sao?

Ông Họa:

- Này, bớt mồm bớt miệng lại, đừng có kêu khóc với tôi như vậy. Cô phải biết thân  phận của cô chứ, cô là nhân viên đánh máy quèn, vị trí cô ở dưới đó, hiểu không? Còn tôi, đường đường là ủy viên thư ký ủy ban, đường đường là một chuyên  gia tờ trình, tôi phải ở trên  cao, còn trên tôi nữa là các đồng chí lãnh đạo. Lúc này, ai ở cao thì sống ở thấp thì chết, hiểu chưa?

Cô Mến:

- Thế nghĩa là bác bỏ mặc cho em chết chứ gì… Đúng thế không? Bác là lãnh đạo mà trong lúc nguy khốn, bác lại bỏ mặc cho nhân viên dưới quyền bác chết mà đành lòng sao?

Ông Họa:

- Tôi lãnh đạo ai vào lúc này… Lãnh đạo à? Lãnh đạo là khi có nhân dân thì mới thành lãnh đạo. Lúc này không có nhân dân, chỉ có nước lũ thôi, thì tôi phải cứu tôi trước… Hiểu chưa?

 Cô Mến:

- A… Thì ra là thế… Thì ra là bác cứu bác trước. Thì em cũng cứu em trước… Cầm máy chữ lên. Đã vậy thì em vứt hết mọi thứ quanh em cho nhẹ người để em bơi, em cứu em trước, máy chữ này, tờ trình này, tài liệu này…

Ông Họa:

- Khoan… khoan… Dừng lại… Hãy đưa tất cả những tờ trình cho tôi… Đưa ngay đây… Cả cái tờ trình báo cáo về tình hình lũ quét nữa, đến đoạn nào nhỉ, đấy, ngay chỗ hai chấm mở ngoặc kép, đưa đây…

Cô Mến:

- Tờ trình này…  Hai chấm mở ngoặc kép này… Chào…

Cô Mến lao xuống nước, mất hút. Còn lại ông Họa ở trên cao. Ngọc Lan đẩy thuyền tới.

Ngọc lan:

- Ôi bố… Bố đã hành động rất đúng bố ạ, con cám ơn bố.

Ông Họa:

- Cái gì? Con bảo cái gì? Bố đã hành động rất đúng hả?

Ngọc Lan:

- Vâng… Bố đã rất thông minh… Chỉ có ở trên cao mới quan sát hết được toàn vùng… Bố hãy nói cho con biết, tình hình từng xóm đi bố, chúng con sẽ cho thuyền đến cứu dân… Nói đi bố…

Ông Họa:

- Chú ý… Xóm 1 còn ba nhà dân ở gần cây bàng đang có người kêu cứu.

Ngọc Lan:

- Gào to. Anh Tuấn nghe em nói không đấy, xóm 1 nhá, có ba nhà gần cây bàng đang có người kêu cứu… Nghe rõ chưa?

Tiếng của Tuấn:

- Báo cáo thủ trưởng, cho người về xóm 1, chỗ gốc cây càng đang có người kêu cứu…

Ông Họa:

- Tại con đập phía nam đang có nguy cơ bị lũ đe dọa, điều lực lượng thanh niên về đó ngay, khẩn trương.

Ngọc Lan:

- Con sẽ đi ngay bây giờ… Bố xuống đi bố, xuống thuyền của con đi.

Ông Họa:

- Xuống thế nào được… Lúc này bố phải thay mặt ủy ban chỉ đạo chống lũ chứ…. Bố phải quan sát toàn khu vực để ra lệnh chứ… Đi đi, tập trung toàn bộ lực lượng cứu lấy con đê phía nam. Nhanh lên.

Ngọc Lan chèo thuyền đi khuất.

Tuấn chạy tới.

 Tuấn:

- Bố ơi, cứu được gần hết dân rồi bố ạ… Bố quan sát xem còn xóm nào ngập lũ nữa không hả bố?

Ông Họa:

- Nhìn xuống. Cậu Tuấn ạ… Giá như cậu không làm tôi phát điên lên về chuyện cậu hợp tác với cái cô nhà báo Hà Mi khui ra tiêu cực của chú Trừng, em họ tôi thì có lẽ, tôi ôm hôn cậu ngay lúc này để biểu lộ sự khâm phục và tự hào về cậu đấy…

Tuấn:

- Con không hiểu ý bố? Bố nói vậy nghĩa là bố không giận con nữa phải không ạ?

Ông Họa:

- Xét một cách toàn diện, trận lũ này, không có cậu, không có các chú bộ đội cứu dân thì hậu qủa đã khôn lường… Cậu xứng đáng để tôi ngưỡng mộ… Nhưng xét ở cấp vi mô, trong gia đình, cậu chưa tha cho thằng Trừng em tôi thì tôi vẫn chưa cho cậu thành duyên với con gái tôi, cậu hiểu chưa?

Ngọc Lan lao ra.

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn… Còn hai nhà dân vẫn mắc lũ ở bên kia sông, làm sao bây giờ…

Tuấn:

- Đi… Đi ngay với anh…

Cả hai cầm tay nhau chạy.

Ông Xưởng đột ngột xuất hiện, nằm nhoài người ra, ôm cứng lấy cây cột, ngẩng lên nhìn ông Họa ở trên cao.

Ông Xưởng:

- Ai ở trên ấy thế? Ai thế? Sao lại ở cao thế, cao hơn cả tôi cơ à?

Ông Họa:

- Ôi… Chào bác quyền… à không, chào bác chủ tịch xã… Trời ơi, bác đã bị lũ cuốn trôi về làng à? Thế tình hình cuộc họp trên huyện thế nào? Tờ trình của em viết, bác chủ tịch đã đưa đến tay huyện rồi chứ ạ?

Ông Xưởng:

- Hãy cứu tôi, hãy đưa tôi lên trên ấy… Tôi mệt lắm rồi… Tôi chết mất…

Ông Họa:

- Em nói thế này khí không phải… Làm sao em đưa bác lên trên cao như em được… Trên này chỉ có một chỗ ngồi thôi, hoặc là em, hoặc là bác, mà em đã nhỡ ngồi trên cao rồi, không tụt xuống được, còn bác đã tụt xuống được rồi, thì ở đấy, dưới chân em, để em quan sát xem có con thuyền nào em sẽ gọi đến cứu bác… Kia kìa, hình như là thuyền của chị Thái… Để em gọi…

Ông Xưởng:

- Không… Đừng… Tôi không cần chị ta cứu… Tôi không dám nhìn mặt chị ta…. Hãy kéo tôi lên trên ấy, nhanh lên, nhanh lên, trên ấy vẫn còn chỗ đấy… Chẳng lẽ anh không cho tôi ngồi cùng anh sao? Tôi là chủ tịch, anh là trợ lý cho tôi cơ mà, sao bây giờ anh nỡ để tôi đeo bám dưới chân anh thế? Lên được trên ấy là sống, ở dưới này là chết, anh không biết như vậy sao?

Ông Họa:

- Nhưng trên này không phải là ủy ban bác ạ… Nếu là ủy ban, nhiều ghế, nhiều chỗ, bác là chủ tịch bác tha hồ chọn chỗ, còn trên này, chỉ có một chỗ duy nhất thì em ngồi mất rồi, bác chịu khó vậy bác nhé… Để em gọi thuyền…

Ông Xưởng:

- Thế hả? Thế ra đúng cái lúc giữa cái sống và cái chết thì anh mới lòi cái bản mặt cơ hội của anh ra chứ gì….

Ông Họa:

- Bác im đi. Lúc này tôi đang bận chỉ đạo chống lũ. Tôi ở đây là để chỉ đạo chống lũ…. Hét rất to. Tất cả nghe đây, tôi, Phạm Viết Họa, thay mặt ủy ban nhân dân yêu cầu tất cả các đội xung kích cứu hộ hãy tiếp tục lao về xóm 1, xóm 2, bằng mọi giá các đồng chí phải cứu hết nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm… Kính đề nghị các đồng chí bộ đội đến ngay  chân đê đang có nguy cơ vỡ chỉ huy bà con giữ bằng được đê làng… Có gì khó khăn hãy thông báo với tôi, tôi sẽ giải quyết….

Ông Xưởng:

- Gào lên. Nói láo… Ông là cái thá gì ở xã này mà dám giải quyết việc xã? Tôi, chủ tịch xã mới có quyền nhá, mới được phép ra lệnh và giải quyết mọi việc ở xã này nhá… Đừng có hòng…

Ông Họa:

- Vẫn gào to. Tuấn ơi, con rể của bố, hãy cố gắng lên, thế, hãy lao thuyền đến ngay xóm 1, đúng rồi, chỗ ấy đấy, còn ba người dân đang mắc kẹt trong lũ, thế…

Ông Xưởng:

- Này… ông vừa gào tên ai thế? Gọi nó là con rể rồi cơ à? Cơ hội gớm nhỉ, sao bảo từ mặt nó rồi cơ mà…

Ông Họa:

- Nó vẫn là con rể tương lai của tôi… Xem đây này… Tôi đang chỉ huy các sĩ quan chống lũ cứu dân đấy… Tuấn ơi, cố lên con… Kìa, thiếu tá Chiến có nghe tôi nói không, vâng, đúng rồi, đề nghị thiếu tá chỉ huy lực lượng tự vệ dù có hy sinh cũng phải giữ lấy đê làng. Vâng…. cho phép đồng chí  sử dụng ngay số đá hộc, gỗ,  tre nứa, bao tải để cứu hộ đập nước… Này… Các đồng chí thanh niên, hãy nghe tôi chỉ huy đây… Tất cả hãy làm theo mệnh lệnh của tôi…

Ông Xưởng:

- Gào lên. Không… Người chỉ huy chính là tôi… là tôi. ngã sấp xuống lại vùng dậy. Người chỉ huy chính là tôi…

Hai người dân đổ nhào dưới chân ông Xưởng.

Ông Họa:

- Đồng chí Xưởng… Có hai người dân đang ngất xỉu dưới chân đồng chí, hãy giữ họ lại, hãy cứu lấy họ, để tôi gọi thuyền… Này… Thuyền… Quay lại đây, cứu hai người dân… Quay lại…

Ông Xưởng quàng tay ghì lấy hai người dân.

Ông Xưởng:

-Trời ơi, nước chảy dữ quá, tôi không đủ sức cứu họ, hãy giúp tôi một tay…

Ông Họa:

- Hãy cố lên đồng chí Xưởng… lúc này đồng chí hãy cố lên… Hãy giữ lấy họ trước khi thuyền đến… Hãy cứu lấy bà con… Đồng chí làm được điều đó mà… Cố lên…

Ông Xưởng:

- Tôi đang cố, đang cố… Trời ơi, nước chảy quá xiết… Gọi thuyền đi chứ, gọi nhanh lên…

Ông Họa:

- Thuyền đến rồi… Chị Thái nghe rõ không, đến đây cơ mà, có ba người đang cần cấp cứu, nhanh lên chị Thái…

Chị Thái chèo thuyền đến… ông Xưởng vác từng người dân đặt lên thuyền. Rồi ông ngã chúi xuống. Chị Thái hét.

Chị Thái:

- Anh Xưởng… Anh làm sao thế? Anh tỉnh lại đi… Anh đã cứu được hai người dân xã mình đấy, anh nghe em nói gì chứ… Anh đã làm được điều ấy rồi anh Xưởng ạ, làm được rồi, anh tỉnh lại đi anh Xưởng.

Ông Xưởng:

- Cái gì? Tôi đã làm được điều gì hả Thái? Nói lại xem nào?

Chị Thái:

- Anh Xưởng… Anh đã cứu hai người… Không có anh, họ đã bị nước lũ cuốn trôi… Anh là một anh hùng… Anh đã làm được điều ấy rồi, điều mà em ao ước, anh đã làm được điều mà người đàn ông chân chính phải làm… Anh đã rời thuyền của em, băng trong thác lũ và bây giờ anh đã cứu được hai người đây này, anh Xưởng… Đi nhé. Rồi em sẽ quay lại đón anh đến nơi an toàn.

Chị Thái chèo thuyền đi khuất.

Ông Họa:

- Ông ta thì anh hùng cái gì? Ông ta cứu được người là dưới sự lãnh chỉ đạo của tôi cơ mà… Tôi mới là người anh hùng, tôi là người chỉ huy cao nhất ở xã này… Để rồi ngày mai, ngày kia nước rút, chính tôi sẽ làm tờ trình gửi lên cấp trên xác nhận tôi là người lãnh chỉ đạo, phối kết hợp các lực lượng cứu dân, tôi sẽ hai chấm mở ngoặc kép… Cái gì nhỉ… hai chấm mở ngoặc kép rằng chính tôi là người anh… anh… anh… A… Cứu tôi với…

Cây cột đổ ào xuống, ông Họa hét lên. Cả ông Họa và ông Xưởng đang đổ nhào lên nhau. Cả hai đang chới với. Trừng chèo thuyền đến, nhảy tới.

Trừng:

- Hai ông đây rồi… Đừng lo, có tôi đây rồi, hai bác không chết đâu mà sợ, tôi đang đến cứu hai bác đây… Nghe lời tôi thì chúng ta cùng sống, không nghe tôi, tất cả chúng ta cùng chết, hiểu chưa?

Ông Họa:

- Nói ngay đi, có ý kiến gì phát biểu, không làm được tờ trình thì phát biểu.

Trừng:

- Nghe đây, tờ trình cái con khỉ gì vào lúc này nữa, nghe cho rõ đây, con nhà báo Hà Mi và thằng Tuấn cùng đồng đội của nó đang cầm giữ toàn bộ chứng cớ về con đê này đấy, về sinh mạng của tôi và hai ông đấy, nó đang chuẩn đưa chúng ta vào nhà đá đấy… Chúng ta đang chết…

Ông Xưởng:

- Tôi không liên can… Tôi không sợ…

Ông Họa:

- Tôi cũng không liên quan… Tôi không sợ…

Trừng:

- Thế hả? Tốt. Hai bác không liên can thì đúng là không nên sợ… Nhưng tôi nhắc lại cho hai bác khả kính nhớ, con đê này huyện chủ trương giao thẳng cho xã làm chủ đầu tư, xã chỉ định công ty tôi làm nhà thầu… Và trong quá trình đó, tiền tôi đã rơi vào túi các người không ít, nhá… Nếu tôi mà bị thằng Tuấn và con nhà báo Hà Mi ấy vạch mặt, thì khi ra tòa, những đồng tiền tôi đưa cho các bác sẽ gào tên các bác ra đấy… Nghe rõ chưa… Tạm biệt nhé… Tự tôi sẽ đi cứu tôi nhé… Chào nhé…

Ông Xưởng:

- Khoan đã… Nói tóm lại, chú cần chúng tôi làm cái gì?

Ông Họa:

- Cần gì chú cứ nói, cứ bình tĩnh mà nói, về mặt chính quyền, đồng chí Xưởng có quyền quyết định tất cả.

Ông Xưởng:

- Nói nhanh lên giời ạ… Nước đã lên đến mắt cá chân đây này…

Trừng:

- Có một cách duy nhất mà nhờ đó, tôi và các bác lại tiếp tục là những con người trong sáng, rũ sạch mọi hậu qủa… Tôi vẫn tiếp tục giám đốc, bác tiếp tục chủ tịch… Có một cách thôi…

Ông Họa:

- Như thế nào? Ai giúp mà nhanh thế?

Trừng:

- Trời giúp.

 Ông Xưởng:

- Hả?

Trừng:

- Tôi yêu cầu bác ra lệnh cho dân quân xã phá đê ngay.

Ông Xưởng:

- Phá đê? đùa. Chú đưa tôi vào tù à?

Trừng:

- Phá đê ngay. Nước đã lên ngang mặt đê, việc quyết định cho phá đê là một giải pháp thông minh và sáng tạo của lãnh đạo xã. Nhiều nơi người ta cũng làm như vậy… Phá đê, đê tan theo lũ, mọi sự gian dối trong thi công của tôi cũng tan theo lũ… Thế là hết bằng chứng của hành vi gian dối, thế là nói như các nhà văn, chó chết hết chuyện.

Ông Họa:

- Kìa đồng chí Chủ tịch, đồng chí thấy sao?

Ông Xưởng:

- Tôi… Hay là tôi xin ý kiến tập thể…

Trừng:

- Bình thường thì chủ tịch xin ý kiến Bí thư đảng ủy trước khi ra quyết định…. Nhưng lúc này, tranh thủ khi đồng chí bí thư đang lên huyện, chúng ta phải quyết định ngay… Mà các ông thì quá biết ông bí thư rồi đấy, ông ấy không đội trời chung với chúng ta… ông ấy lên gặp thanh tra huyện để vạch mặt chúng ta… Tình hình đang nước sôi lửa bỏng, đồng chí chủ tịch phải quyết ngay… Không nói gì nữa, ông ra lệnh ngay đi… Phá đê, cứu nhân dân..

Ông Xưởng:

- Với ông Họa. Nghe rõ rồi chứ, nội dung của nhiệm vụ cấp bách hiện nay là gì?

Ông Họa:

- Là phá đê cứu nhân dân ạ…

Cả ba chụm vào nhau rồi cùng vung tay lên và cùng đồng thanh.

Tiếng đồng thanh:

-         Phá đê cứu nhân dân.

Cả ba người đang hăng hái hô to và đưa thẳng tay lên trời nhưng đột ngột khựng lại vì một cơn nước lũ…

Ông Họa:

- Hoảng hốt. Trời ơi, xem kìa… Lũ… lũ… Lũ cuốn đấy… A… Cứu tôi với…

Cả ba người ngã vùi trong cơn lũ…

 Cảnh 6.

Một nhóm người bồng bềnh trên mái nhà trôi, tựa như đang ngồi trên ván bập bềnh. Đó là Trừng, một người dân, người đàn ông khâm liệm, người đàn bà đơn giản và cuối cùng là ông Họa.

Trừng:

- Chới với đứng lên. Này… Tôi nói cho các người biết nhá, tôi, nguyên giám đốc Đỗ Hữu Trừng nhá, đã nhiều năm tham gia công tác quản lý nhá, lúc này tôi sẽ là chỉ huy cao nhất ở đây nhá, ai chống lệnh, tôi, xin lỗi, tôi đành phải mời xuống thác lũ kia đấy, mọi người đồng ý không?

Một người dân:

- Tôi có ý kiến… Thực sự tôi không biết chú là ai cả nhưng chú khỏe nhất, trẻ nhất, chú phải chèo chống thế nào để cứu sống chúng tôi… Lũ chúng ta đang ngồi trên mái nhà, đang trôi dần ra cửa sông, trăm vạn sự là tùy ở nơi chú, nhanh lên chú…

Trừng:

- Nhìn ông Họa. Sao thế ông Họa, tại sao lại ngồi run lẩy bẩy thế đồng chí ủy viên ủy ban… Nếu tôi không nhầm thì hồi nãy gặp tôi, ông hò hét, gào thét oai phong lẫm liệt lắm cơ mà… Sao thế?

Ông Họa:

- Mẹ cha mày… Thằng hỗn xược… Mày là em họ tao mà ăn nói với tao thế hả? Mày thì cũng như bọn tao, chết đuối với phải cọc, tất cả đều nhờ vào cái mái nhà đang trôi này mà sống, tốt đẹp cái gì ở mày mà lên giọng hả? Mẹ cha cái chức nguyên giám đốc với giám điếc… Nếu mà không biết cách chèo lái mái nhà vào trong bờ kia, cứ để nó tự do trôi ra biển,  sóng lớn nó giập ba cái thì tất cả chìm nghỉm, hết đốc với điếc nhá… Chết đến đít rồi còn đốc, đốc cái con khỉ.

Trừng:

- Sao thế, sao lại ăn nói như vậy… Yên tâm đi, không chết đâu mà sợ, chắc chắn đống chí chủ tịch xã sẽ kịp ra được mệnh lệnh phá đê… Chắc chắn… Cả hai chúng ta bị lũ cuốn đi, còn đồng chí chủ tịch lại vớ được một con thuyền… Yên tâm, không chết đâu mà sợ… Cứ ăn nói cho lịch sự, quanh đây toàn nhân dân đấy.

Bà đơn giản:

- Chú mày định phá đê phi tang hả? Không đơn giản đâu.

Trừng:

- Này. Bà im mồm đi. Tôi cho bà ngồi lên một góc mái nhà này là phúc đức lắm rồi đấy. Cứ toen hoét cái mồm, tôi cũng đẩy bà xuống sông luôn đấy.

Bà đơn giản:

- Mày nói thế, mày cứ mở mồm là đe dọa giết người này, vứt người kia ấy là vì mày sợ đấy con trai ạ. Hay chúng ta cùng đồng loạt nhảy xuống nước để cho mày một mình trên cái mái nhà này ra biển, được không con trai? Hoặc là tất cả chúng tao cùng đồng lòng kéo cổ mày xuống sông? Mày chọn cách nào hả con trai?

Trừng:

- Bất lực. Thôi im cả đi… để rồi khi các người bắt đầu chết, đồng loạt chết trong nước, các người mới hò hét, cầu khẩn, xin tôi cứu giúp, lúc ấy thì đừng hòng, vớ vẩn… Coi kìa, nước đang xô cả mái nhà ra cửa biển rồi đấy, các người sắp ngủm củ tỏi cả rồi đấy, lên tiếng nhờ vả tôi cứu giúp đi chứ? Sao ngồi im cả thế? Sợ à?

Người đàn ông khâm liệm:

- Tu một hơi rượu, loạng choạng bước tới. Cái gì mà nói nhiều thế? Anh thì cứu được ai bao giờ? Anh còn lo cứu anh chưa xong lại muốn chỉ huy để cứu ai đây? Anh làm cách nào mà cứu người trên mái nhà nói cho tôi xem thử nào? Bất lực hả? Bó tay hả? Nhỡ mà bị sóng lật nhào mái nhà xuống nước thì tất cả đều ngủm hả? Hay là anh bơi vào bờ? Bơi giỏi không? Bơi thi với ta xem ai hơn? Ta nói cho nhà ngươi hay nhá, có chết thì chết từ từ, từng người một, ta còn có thời gian để khâm liệm nhá, chết ùm cả lũ, ta đành thất lễ đây nhé.

Trừng:

- Dừng lại. ông là cái gì mà vừa nói vừa áp sát vào mặt tôi thế hả? Ông làm cái quái gì ở làng này? Ông là ai?

Người đàn ông khâm liệm:

- Ta ấy hả? Ta không có tên. Đúng vậy không bà con… Ta sinh ra và lớn lên ở làng này nhưng không có tên… Người làng vẫn gọi ta là người đàn ông khâm liệm… Ta không quen với giám đốc giám điếc, ta chỉ quen với cái nghề khâm liệm của ta thôi… Trong làng, ngoài xã, ai có thân nhân chết, dù già hay trẻ thì ta đều được mời. Ta đến, yêu cầu người nhà nấu một nồi nước sôi lớn, dùng lá đại bi, mà nếu không có lá đại bi thì bẻ vụn bó hương cho vào nồi để nước được thơm ngát. Người nhà chuẩn bị cho ta hai cái khăn tắm thật mới, một cái lược, một lọ nước hoa, một vuông vải đỏ và một bộ áo quần bằng lụa mới đã cắt hết nút. Khi ấy ta dùng lược cẩn thận chải tóc cho người chết, lau mặt, thậm chí ta còn tỉ mẫn đánh lên má, lên môi người chết một chút son hồng. Rồi ta dùng ba sợi dây vải, một sợi buộc ngang người chết, một sợi buộc hai ngón chân cái với nhau, một sợi buộc ngang lưng. Trong quan tài, ta cho vào đó là một lượng trà thật lớn, hoặc cát trắng. Đúng giờ khâm liệm, ta nhờ vài hai người thanh niên nữa, một người đỡ đầu người chết, một người đỡ gót chân, một người nâng thân người chết lên đặt nhẹ nhàng xuống quan tài, ta lấy hết dây buộc, sửa sang lại cho người chết nằm ngay ngắn, nếu người chết là đàn ông như chú mày chẳng hạn Trừng sợ hãi giật lùi thì ta cho vào miệng 7 hạt gạo, nếu người chết là đàn bà như bà đơn giản đay chẳng hạn bà đơn giản cười thì ta cho vào miệng 9 hạt gạo, lại cho vào miệng người chết thêm miếng trầu và vàng bạc kỉ vật của người sống gửi cho người chết, sau đó thì ta sẽ đứng lên hô tô: Sơ hàm bỏ gạo, tái hàm bỏ trầu, tam hàm bỏ vàng, đấy là ta công khai cho người chết biết đấy. Sau đó, ta đậy nắp quan tài lại, chỉ để hở nắp quan tài phía đầu người và ta cầm một bó hương cháy đỏ, vừa huơ huơ trước mặt như thế này này vừa hô thật to tên người chết, là chú mày chẳng hạn, tên chú mày là Đỗ Hữu Trừng chứ gì, thì ta sẽ hô ba lần: Hu ba hồn bảy vía thằng Đỗ Hữu Trừng về nhập xác. Hu ba hồn bảy vía thằng Đỗ Hữu Trừng về nhập xác. Hu ba hồn bảy vía thằng Đỗ Hữu Trừng về nhập xác…

Trừng:

- Gào lên. Ông im đi. Vào giữa lúc nguy khốn này, ông nhổ ra toàn những điều chết chóc, tôi sẽ đạp cho ông ngã nhào xuống sông ngay bây giờ….

Trừng lao đến, ông Họa và một người nông dân nữa, giằng Trừng lại.

Người đàn ông khâm liệm:

- ấy.. đừng nổi nóng chú mày… Chú mày biết rằng lúc này có thể tất cả bọn ta đều chết chứ gì? Thì cũng phải biết khi chết, người ta khâm liệm mình ra sao chứ… Cũng phải mong rằng, khi chết vẫn được khâm liệm đàng hoàng, chết trong bàn tay khâm liệm của bà con làng xóm bạn bè thân thích, của vợ con gia đình thì làm người để làm cái gì…

Một người dân:

- Tôi là tôi thấy thế này… Chúng ta phải giành cái sống cho bác khâm liệm. Tôi nghe bác nói về quá trình khâm liệm tôi mê lắm. Tôi muốn nếu có chết thì cũng được chính bác đây khâm liệm cho….

Bà đơn giản:

- Từng này người trên mái nhà đang trôi không biết cách nào để cứu mình hay sao mà phải chết cả thế? Buông tay chết thì đơn giản quá… Không nên đơn giản như vậy… Nghĩ cách đi… Muốn chết được trong vòng tay đau đớn, nhớ thương, kính trọng của gia đình, dân làng thì phải biết cách chọn lấy con đường sống đã chứ, sao đơn giản thế?

Đột ngột vang lên tiếng gọi của Tuấn. Trong bờ, Tuấn, Lương,Hoàng đang hét gọi.

Tuấn:

-Những ai ở ngoài đó, nghe rõ không….Từng người một cầm lấy tay nhau cố giữ cho chặt,thả người dạt vào phía bờ,chúng tôi sẽ đến cứu, nghe rõ không, chúng tôi là bộ đội đây, chúng tôi sẽ cứu…Nhanh lên….

Người nông dân:

-Nghe thấy không, bộ đội đấy, bộ đội đang đến cứu chúng ta đấy…Nhanh lên…

Ông Họa:

-Con rể tôi đấy……Nào….Hãy nghe lời nó ,tất cả hãy cầm lấy tay nhau,nhoài xuống sông đi, rời xa mái nhà này, nó sắp vỡ vụn ra rồi đấy, cầm lấy tay nhau….

Người đàn ông khâm liệm:

- Với Trừng. Anh muốn sống hay muốn chết… Muốn sống chứ gì… Thế thì anh hãy nhảy xuống nước trước, anh là người khỏe nhất, anh phải cố  trụ vững cho chúng tôi bám nhảy vào tay anh… Nhảy xuống đi… Mái nhà sắp vỡ rồi, nhảy xuống đi… Mái nhà sắp vỡ rồi, nhảy xuống đi…

Bà đơn giản:

- Hãy can đảm lên… Bộ đội đang đến… Hãy can đảm lên… Nào… Lao xuống nước nhanh lên… Mái nhà sắp vỡ rồi…

 Cảnh 7

Trên bờ đê, chị Thái vứt mái chèo chạy theo ông Xưởng. Họ nhìn nhau. Tiếng chị Thái ấm ức.

Chị Thái:

- Anh Xưởng… Em nghe bà con nói, anh đang quyết định phá con đê làng? Có đúng vậy không anh?

Ông Xưởng:

- Đó là do tình hình cấp bách của lũ lụt, do con đê không đủ sức chống lại với nước lũ, nếu để vỡ đê còn nguy hiểm hơn, tôi quyết định cho phá đê… Đó là một quyết định đúng đắn và kịp thời… Ta chủ động phá còn hơn là để lũ cuốn trôi đê.

Chị Thái:

- Anh Xưởng… Anh nói thật với em và bà con đi, mặc dù anh gào lên rằng, cần phải phá đê, rằng, phá đê là một quyết định đúng đắn và kịp thời nhưng thực sự trong lòng anh không muốn xảy ra chuyện đó đúng không anh? Ông Xưởng bối rối. Bởi vì anh nhìn kia kìa, con đê làng mình có từ bao năm rồi, có từ thời ông tổ làng mình khai thiên lập đất ở đây… Con đê làng không chỉ là con đê, nó là hồn vía, là tâm linh, chất chứa biết bao phận sống của bà con mình. Những cuộc hẹn hò, những lần đưa tiễn con em mình ra mặt trận, những đám rước dâu, cả những đám tang của người làng, nơi con trẻ vui đùa, thả diều, cắt cỏ… tất cả mọi chuyện vui buồn của làng quê mình đều xảy ra trên con đê làng, đều có con đê làng làm chứng và chia sẻ hết mà… Năm kia bị lũ quét, con đê làng hư hỏng nặng, huyện mới cho làng mình tôn cao, làm mới con đê cao to như thế này… Biết là nước lũ đang đe dọa con đê làng mình… Nhưng em biết người làng mình không ai nỡ phá đê, không ai đành lòng phá con đê làng đâu anh ạ… Anh cũng không đành lòng mà… Anh nói đi anh Xưởng, thực sự anh cũng không đành lòng phá đi con đê làng phải không anh?

Mọi người đến: thêm ông Họa, Tuấn, nhà báo Hà Mi… và cả Trừng cũng xuất hiện. Tuấn lao tới và gằm ghè nhìn Trừng.

Tuấn:

- Với ông Họa. Bố ạ… con nghe nói, chủ tịch xã đang ra lệnh phá đê? Có đúng thế không bố?

Ông Họa:

- Thì đó là ý kiến của đồng chí Trừng giám đốc và sau đó đồng chí Xưởng chủ tịch xã đã chuẩn y, bố chỉ là ủy viên thư kí, bố sẽ cho làm tờ trình về việc này…

Tuấn:

- Với Trừng. Mày đã đề xuất? Mày… Thằng chó… Mày muốn phá đê để phi tang tội lỗi chứ gì… Đừng hòng… Chúng tao sẽ cùng toàn thể nhân dân giữ lấy đê, quyết giữ đê… Mày hiểu chưa?

Trừng:

- Cậu bé… Trong lúc cậu bé đang gằm ghè tôi ở đây thì ngoài đê ấy, đồng chí chủ tịch xã đang chỉ huy dân quân phá đê rồi…

Tuấn:

- Nói láo… không ai được quyền làm như vậy…

Thiếu tá Chiến lao đến.

Chiến:

- Đồng chí Tuấn theo tôi ngay, chúng ta cần tiếp tục lên ngược sông để cứu dân. Có một số bà con ở xa đến đây đang mắc kẹt trên đó.

Tuấn:

- Cần lực lượng cứu dân hay phá đê thủ trưởng?

Chiến:

- Tuấn… Cậu nói gì đấy? Sao lại phải phá đê? Đúng là con đê đang rất suy yếu nhưng chúng ta cần phải bảo vệ thân đê, không để cho nó vỡ, ai đưa ý kiến phá đê vào lúc này?

Tuấn:

- Thưa thủ trưởng, chính anh ta đưa ra ý kiến phá đê và đồng chí chủ tịch xã đang chỉ huy lực lượng phá đê… Phá đê để phi tang tội lỗi chứ không phải để cứu dân…

Chiến:

- Với  Trừng. Đúng như thế chứ? Chính anh đã xúi giục đồng chí Xưởng chỉ huy phá đê? Tôi đã nghe thông tin về việc anh đã thi công gian dối con đê này, và bây giờ anh lợi dụng lũ cho phá luôn đê để chạy tội, đúng thế không?

Nhà báo Hà Mi lấy sổ ghi chép và lại đưa máy ảnh lên chụp.

Trừng:

- Nhìn con nước và hét lên. Các người nhìn đi, nhìn đi, con nước đang ào ào chảy, nghĩa là đê đã được phá, đã được phá, đã được phá…

Trừng vừa chạy vừa hét.

Chiến:

- Các đồng chí, xuống thuyền nhanh lên, phải đến đó ngay, phải ngừng ngay việc phá đê, nhanh lên…

Đột ngột vang lên tiếng của Lan.

Lan:

- Khoan… Mọi người dừng lại đã… Mọi người nghe cho rõ đây… Huyện mới có công điện khẩn cho địa phương chúng ta… Tình hình con đê làng đang rất nguy cấp trước lũ, cấp trên đồng ý cho phá đê…

Trừng:

- Gào lên sung sướng. Thấy chưa? Thấy chưa? Thấy chưa? Cấp trên đã đồng ý cho phá đê… Phá đê… Phá đê… Ha ha ha… Vừa reo hò và vọt chạy mất hút.

 Chiến:

- Đề nghị các đồng chí xem lại quyết định quan trọng này. Không thể triển khai việc phá đê vào lúc này. Bằng mọi giá phải giữ lấy đê. Các đồng chí biết rồi đấy, nếu phải phá đê thì hậu qủa sẽ không lường… sẽ là hàng trăm nhà dân bị cuốn trôi ra biển cùng với gia súc, đồ đạc, đấy là chưa nói       đến hàng ngàn héc ta lúa cũng sẽ bị cuốn trôi…

Vợ chồng ông Mẹo chăn vịt xô đến.

Bà Mẹo:

- Ông nói đi.

Ông Mẹo:

- Hay bà nói… Bà là ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ, bà nói người ta nghe, chứ tôi chỉ là cái thằng chăn vịt…

Bà mẹo:

- Nhân chứng vật chứng là ông, ông nói đi chứ.

Ông Mẹo:

- Tôi nói đây… Tôi nói đây này…. Tôi là tôi bắt đầu nói đây, ai làm gì tôi nào? Ai dám làm gì tôi nào? Tôi là tôi nói đấy.

Trừng và ông Xưởng, ông Họa cùng chạy vào nhìn vợ chồng ông Mẹo.

Ông Xưởng:

- Bác Mẹo… Bác nói đi chứ, chính bác đại diện cho nhân dân yêu cầu phá đê đúng không? Nói đi…

Ông Mẹo:

- Đó là bác chủ tịch yêu cầu tôi nói đấy nhé… Bác đã yêu cầu tôi nói thì tôi sẽ nói, tôi bắt đầu nói đây này… Nếu các người có làm gì tôi, thì nhất định tôi cũng sẽ nói, nói ngay, vì tôi ức lắm rồi, dù chỉ là cái thằng chăn vịt nhưng mà tôi cũng sẽ nói…

Tuấn:

- Kìa bác… Bác đừng ngại ngần… Trước mặt bác là các đồng chí cán bộ, là bộ đội chúng cháu, bác cứ thẳng thắn…

Ông Mẹo:

- Thì tôi sợ gì mà không nói cơ chứ? Tôi biết tôi chỉ là thằng chăn vịt, không dây mơ rễ má gì ở đây, nhưng tôi có bổn phận phải nói ra sự thật, vì tôi đã nhìn thấy, nghe thấy tất cả thì tôi cương quyết phải nói hết…

Bà Mẹo:

- Đẩy chồng ra xa. Ôi dào, cái ông này nhát như vịt… Nghe đây này, tóm lại thưa các anh, ông nhà tôi có nghe được lão Trừng giám đốc bàn bạc với bác Xưởng và bác Họa việc phải phá đê, có phá đê mới…

Trừng lao đến.

Trừng:

- Đúng… Chính tôi, một giám đốc có hàng chục năm làm công tác quản lý, gắn bó máu thịt với hàng loạt các công trình thủy lợi, đã từng có thời gian công tác trong Ban phòng chống bão lụt của tỉnh, đã từng có hàng chục chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm chống bão lụt của nhiều địa phương trong cả nước, với tất cả tấm lòng của mình, sau khi quan sát tình hình lũ lụt, sau khi đã tập hợp những cứ liệu đầy đủ về cơn lũ quét này, sau khi đã suy nghĩ cân nhắc đến nơi đến chốn, để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân, tôi đã đưa kiến nghị với đồng chí chủ tịch xã cho lực lượng phá đê ngay, giảm khẩn cấp lượng nước đang chất chứa một cách nguy hiểm trong hồ, làm như thế tức là cách để cứu lấy sinh mạng nhân dân… Thử hỏi, đến lúc đê không chịu nổi sức nước lũ, vỡ òa một cái, thì hàng ngàn người dân chạy đâu cho kịp. Tôi đã nêu ý kiến đúng đắn đó và đồng chí chủ tịch, người cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm và uy tín ở xã này đã đồng tình. Có gì sai hả? Bước tới trước mặt vợ chồng ông chăn vịt. Có gì sai? Có gì sai? Các người nói đi, như thế có gì sai hả?

Ông Mẹo:

- Kìa, chú Trừng, sao lại tấn công vào tôi… Tôi đã nói gì đâu.

Trừng:

- Thưa các đồng chí… Đã có dư luận cho rằng, tôi đưa ra ý kiến phá đê là nhằm che đậy những sai sót trong qúa trình thi công con đê này, phi tang tội lỗi… Vì thế, ngay tại đây, có đồng chí chủ tịch,  có đồng chí bí thư, chúng ta đưa ra cam kết… rằng, nếu ai đó quyết định không phá đê, nếu ai đó không thực hiện chủ trương phá đê của chủ tịch xã, nếu vỡ đê, dân chết hàng loạt, người đó có dám chịu trách nhiệm không, có dám vào tù không? Dám không? Sao? Có ai dám chịu trách nhiệm đó không, xin viết cam kết rằng, nếu không kịp thời phá đê, mà nếu vỡ đê, tôi chịu trách nhiệm về mọi tai họa ở đây? Thậm chí cả chịu kết án tử hình nếu đê vỡ? Đồng ý vậy chứ?

Tuấn:

- Bước thẳng tới trước mặt Trừng. Anh nói xong chưa?

Trừng:

- Tôi không nói với chú… Chú là bộ đội về phép dạo qua làng, tôi không có việc gì bàn bạc với chú cả…

Tuấn:

- Tôi hỏi, anh nói xong chưa? Xong rồi chứ gì? Anh  có mang giấy bút theo không đấy?

Ngọc Lan:

- Anh Tuấn… Đừng nóng vội…

Trừng:

- Sao? Muốn giấy bút hả? Đây, giấy bút đây…

Tuấn:

- Tôi viết cam kết… Tôi, thiếu úy Nguyễn Quang Tuấn, sẵn sàng viết cam kết, rằng, chúng ta phải cương quyết giữ lấy đê, không phá… Còn nếu đê vỡ, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm…

Chiến:

- Tuấn… Không cần thiết phải như vậy… Không cần thiết phải cam kết gì hết… Cam kết của chúng ta là với nhân dân kia, chúng ta phải dồn toàn bộ sức người sức của để bảo vệ lấy con đê này… Đó là tài sản của nhân dân… Dù khó khăn đến bao nhiêu, dù có phải hy sinh, chúng ta cũng phải cương quyết bảo vệ bằng được con đê này… Nếu không ai dám ra chỉ huy việc giữ đê, tôi chỉ huy. Nếu không ai dám nhảy xuống nước để bịt lỗ rò con đê lại, bộ đội chúng tôi sẵn sàng nhảy xuống để dùng thân mình bịt kín lỗ rò nguy hiểm ở chân đê. Đồng chí Tuấn, đồng chí Hoàng, đồng chí Lương.

Cả ba chiến sĩ:

-Báo cáo tiểu đoàn trưởng, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Chiến:

- Tôi ra lệnh cho các đồng chí thi hành nhiệm vụ.

Cả ba chiến sĩ:

- Rõ.

Trừng:

- Nãy giờ theo dõi, nhảy xổ ra. Mọi người hãy nghe tôi nói đã… Nước lũ đang ngày một dâng cao, con đê làng không thể chịu nỗi cơn lũ lịch sử này đâu… Tôi đã khảo sát khắp tuyến đê rồi, chỉ có một chỗ chúng ta phá ngay để bảo vệ đê làng là chính ở đây, chính chỗ này… Cho phá ngay, càng rộng càng tốt… thông báo cho bà con xóm 1, xóm 2 sơ tán ngay lúc này, ngay bây giờ để phá đê… Phá ngay tại đây.

Tuấn:

- Với Trừng. Mày nói phải lắm… Khúc đê tại đây là xung yếu nhất, rất phải, cách đây ba năm chúng tao đã nhận biết được điều đó.

Lan:

- Cách đây ba năm, chúng tôi đã phát hiện chính tại con đê này, đơn vị thi công của chú đã xây dựng ở đây một cách gian dối, chỗ kè bê tông kia kìa, các người đã thay đổi phẩm cấp xi măng, rút bớt sắn, rút bớt vật liệu… Bây giờ thì khi lũ lớn đến, chỗ này mới là chỗ nguy hiểm nhất, phá nó đi là phi tang luôn tội lỗi của các chú chứ gì?

Trừng:

- Lan… Mày… Tao và mày là máu mủ ruột rà, mày còn định phá tao hay sao?

Ngọc Lan:

- Bước lại Chiến. Báo cáo chú, chúng cháu đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Chiến:

- Các đồng chí, chúng ta phải bảo vệ con đê làng đến phút cuối cùng. Tất cả xung trận.

Mọi người ào ào lao đi.

 Ông Khâm liệm:

- Khoan đã… Thế còn chúng tôi… Chúng tôi nữa chứ, chúng tôi cũng sẵn sàng quên thân mình để bảo vệ lấy con đê của làng.

Ông Mẹo:

- Tôi nữa, Phạm Quang Mẹo, sinh năm 1950, nghề nghiệp chăn vịt, thành phần gia đình bốn đời nông dân, tình nguyện cùng vợ đi bảo vệ đê.

Ông Xưởng:

- Kìa. Sao thế.. Lực lượng nhân dân đông đảo đâu cả rồi, chỉ còn ông, chỉ còn anh nữa và tôi à? Chỉ còn ba người đi phá đê à? Sao lại thế?

Ông Họa:

- Gọi to và co chân chạy… Các đồng chí, tôi xin sẵn sàng hy sinh… Và chạy theo hướng những người đi giữ đê.

Còn lại Trừng và ông Xưởng.

Hai người nhìn nhau. Chị Thái vác mái chèo đến.

Chị Thái:

- Anh Xưởng… Em đến đón anh đây… Hãy xuống thuyền đi… Vị trí của anh là ở nơi con đê xung yếu kia, là ở nơi mà bộ đội, bà con mình đang vật lộn với lũ quét để bảo vệ con đê làng… Anh phải có mặt ở đó, vào lúc này, em cần anh có mặt tại đó, không phải với tư cách của một chủ tịch xã, mà với tư cách là một thằng đàn ông làng mình anh Xưởng ạ… Hãy nghe em… Cho dù mãi mãi em không có anh nhưng em vẫn muốn anh là một người đàn ông tử tế của em… Nghe em đi nào, xuống thuyền đi anh…

Ông Xưởng chần chừ rồi bước nhanh xuống thuyền. Hai người đi khuất. Còn một minh Trừng. Đột ngột nhà báo Hà Mi chạy qua. Trừng lao tới chặn lại.

Họ nhìn nhau chằm chằm.

Hà Mi:

- Anh định làm gì tôi?

Trừng:

- Không làm gì cả… Tôi cần thảo luận với cô một số vấn đề…

Hà Mi:

- Thảo luận ư? Tôi không có thời gian… Tôi cần làm ngay một phóng sự ảnh như vậy? Cứ coi như là một triệu. Còn tôi, tôi xin trả ngay cho cô 50 triệu đồng, trả ngay lúc này, ngay bây giờ nếu cô chấp nhận trao cho tôi toàn bộ số phim ảnh cô chụp được ở con đê này cùng với những chứng cớ việc thi công con đê cô đã thu thập được.

Hà Mi:

- Thì ra anh định ngã giá… Tốt… Tôi cũng đang muốn anh ngã giá…

Trừng:

- Vỗ tay. Hay quá… Thế mà tôi cứ chần chừ mãi không biết đặt vấn đề với cô thế nào? Thì ra nhà báo cũng có thể ra giá được nhỉ?

Hà Mi:

- Được chứ… Tôi ra giá nhé… Anh chuẩn bị ngay 1 tỉ đồng.

Trừng:

- Một tỉ? Tôi không nghe nhầm đấy chứ?

Hà Mi:

- Có thể hơn. Bởi vì số tiền đó chưa chắc đã giúp anh thoát tội?

Trừng:

- Không…. Tôi không đảm bảo là anh thoát tội nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, con đê của làng sẽ thực sự vững chắc…

Trừng:

- Tôi không thể hiểu là cô đang nói gì?

Hà Mi:

- Đó là cách để khi anh vào tù vì tội làm ăn dối trá, địa phương này sẽ dùng một tỉ đó để khắc phục sự cố, để làm lại con đê, củng cố vững chắc con đê này, anh hiểu chứ?

Trừng:

- Gào lên. Láo toét… Tao đã nói bằng giọng tiền mày không nghe thì tao sẽ nói chuyện với mày bằng bạo lực… Lao tới. Tao sẽ bóp cổ mày…

Trừng lao đến, Hà Mi nhảy tránh, Trừng lại lao đến và bất ngờ Trừng ngã xuống, Hà Mi chạy mất. Trừng lao lên chạy đuổi theo nhưng lại trượt chân lăn xuống nước, Trừng kêu thất thanh… Cứu tôi với… Cứu…

Người đàn bà đơn giản xuất hiện, đứng trên gò đất cao.

Người đàn bà đơn giản:

- Đừng có gào lên như vậy… Cả làng cả xã đang lo cứu đê, không ai cứu mày đâu… Rồi lũ sẽ kéo mày ra biển… Mày tưởng cứ gào lên là có người đến cứu à? Không đơn giản đâu…

Trừng:

- Đây này, tôi sẽ thưởng cho bà hai triệu… Bà hãy lăn xuống cho tôi một khúc gỗ, tôi sẽ bấu vào đất thoát thân được, đơn giản thôi mà, hai triệu, bà làm ngay đi… Tôi chết mất…

Người đàn bà đơn giản:

- Tao lại muốn nhìn mày bị lũ cuốn đi… Việc đó đơn giản hơn nhiều…

Đột nhiên Liễu lao tới.

Liễu:

- Sao thế? Anh muốn cứu hả? Bà này không chịu cứu anh hả? Thì anh vứt túi tiền lên bờ cho em, vứt túi tiền anh sẽ không vướng víu và em sẽ cứu anh….

Người đàn bà đơn giản cười và bỏ đi.

Trừng:

- Vứt túi tiền. đây này… Em hãy giữ lấy… nhanh lên, tìm cách cứu anh đi…

Liễu chộp lấy túi tiền, cười hơ hớ.

Liễu:

- Anh yêu… chúng ta kết thúc ở đây nhé… Đây là toàn bộ tiền bạc của đời anh chứ gì? Chào nhé… và cười rồi chạy mất.

Trừng cay đắng.

Trừng:

- Gào lên trong bất lực. Tôi không cần gì nữa hết… Không cần… Tôi cần sống, cần sống, ai cứu tôi, trời ơi…

Trung tá Chiến  chạy tới, chìa bàn tay kéo Trừng lên.

Chiến:

- Anh không ngờ chính tôi cứu anh sống chứ gì?

Trừng:

- Chú Chiến…. Tại sao chú cứu tôi? Tại sao? Tôi tưởng chính chú mong tôi bị lũ cuốn mất tăm dạng mới phải chứ?

 Chiến:

- Tôi muốn anh sống để thông báo với anh một tin quan trọng: Con đê đang được nhân dân bảo vệ an toàn. Thế thôi.

Trừng gục xuống. Đột nhiên nghe huyên náo tiếng nhiều người. Rồi Liễu sợ hãi ôm túi tiền chạy giật lùi và ngã ngồi ngay bên Trừng. Chiến nhảy vọt lên trên cao. Đoàn người ào ào kéo tới.

Con đê chìm trong sóng lớn, trong lũ quét

Những người dân ngả sấp ngả ngửa

Những tiếng la hét

Bóng các quân nhân

Tuấn: ( hét) Các đồng chí, tập trung hết về chỗ này, chỗ này…chỗ này đê sẽ vỡ các đồng chí nghe rõ không?

Tuấn cố gắng hết sức mình cùng các chiến sĩ chống chọi với sức mạnh của nước lũ, các chiến sĩ giăng người thành hàng ngang, hàng dọc, người chồng lên người, từng người một như những viên đá bằng thân xác lấp đầy những lỗ hổng của con đập.

Rồi nghe ào một tiếng dữ dằn.

Đất sụt xuống.

Thân xác các chiến sĩ trong đó có Tuấn bị lấp kín trong thân đê.

Thân đê liền mạch

Thân đê vững chắc.

Hàng trăm người dân reo hò:

-Thoát chết rồi bà con ơi

-Con đê đó được hàn miệng rồi.

-Bộ đội đó cứu sống con đê rồi

Lan lao tới. Chiến cũng lao tới ở phía ngược lại.

Ngọc Lan:

-Chú Chiến, anh Tuấn của cháu đâu?

Chiến:

-Lan ơi, con đê làng đã được cứu sống

Lan:

-Chú Chiến, anh Tuấn của cháu và các đồng đội của anh ấy đâu rồi?

Chiến:

-Lan, cháu nhìn đi, con đê của làng ta vẫn vững chắc trong cơn lũ lớn

Lan:

-Chú Chiến…Chú biết cả rồi đúng không? Trong thân đê này là thân xác anh Tuấn, thân xác của các đồng chí của chúng ta đúng không?

Chiến:

-Lan …

Lan:

-Hy sinh tất cả rồi phải không chú? Anh Tuấn của cháu và các đồng đội của anh ấy đó nằm hết trong thân đê này, để cứu con đê này, con đê sống còn anh Tuấn và đồng đội của anh ấy hy sinh phải không chú Chiến.

Bà con dân làng kéo tới, cùng các chiến sĩ bộ đội.

Chiến nhìn Lan

Chiến:

-Họ đã hy sinh…Những đồng đội yêu quý của chúng tôi đó hy sinh..Thân xác họ hàn gắn những vết nứt của thân đê…

Vợ chồng ông bà Mẹo chạy ào ra.

Ông Mẹo:

- Còn nữa… Không chỉ có các chú bộ đội hy sinh cứu dân, bảo vệ đê làng, mà bà con mình cũng đã có người chết cho con đê làng được sống đấy  ạ… Mọi người nghe tôi nói không? Nhìn kia kìa… Thuyền chị Thái chèo đò và cả chị Thái nữa, tất cả đã nằm trong lòng con đê làng này rồi…

Ông Xưởng:

- Ôm mái chèo của chị Thái bước ra. Tôi đã nói rồi em không nghe tôi Thái ạ… Tôi đã hét gọi em rằng, hãy đợi tôi… Thế mà em lại nói rằng, một mình em với con thuyền chở đầy đá có thể bịt được lỗ rò thân đê… Em đã chèo thuyền băng qua thác lũ, dũng cảm lao thuyền và cả thân mình lấp kín lỗ rò ở thân đê làng… Nước đã cuốn chặt em trong lỗ rò và thân thể em đã gàn gắn lỗ rò thân đê làng không bị vỡ… Con đê làng đã trở thành ngôi mộ của em rồi Thái ạ… Em đã chết vì sự sống của con đê làng Thái ạ…

 Chiến:

- Hét to và túm lấy cổ áo Trừng. Mày đã nghe thấy cả chưa? Nghe thấy chưa? Con đê làng đã thấm đỏ máu của các chiến sĩ quân đội và nhân dân làng mình, thế mà mày toan tính muốn phá tan cả con đê để hòng thoát tội… Thằng khốn…

Nhiều người chạy đến, có cả nhiều người lính

Lan:

-Anh Tuấn…Anh nghe em gọi không anh Tuấn…Các anh có nghe em gọi không? Trời ơi, nếu không có Tuấn, không có các anh bộ đội thì đê làng sẽ vỡ…Biết là biết thế nhưng sao em vẫn đau lắm anh Tuấn ạ…Những kẻ như thằng Trừng kia suýt nữa với sự đốn mạt, gian dối, khốn nạn của nó mà làm con đê vỡ, nếu không có các anh…Nhưng sao các anh lại phải hy sinh trong thời bình như thế này? Các anh đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, thế chưa đủ sao? Lúc này là thời bình cơ mà, sao các anh lại lần nữa phải hy sinh? Không có bộ đội, liệu chúng ta có yên ổn đứng bên nhau thế này không?

                                                                Hạ  Màn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Nguyễn Quang Vinh © 2011 - 2012 | Designed by BCA