ĐẤT ĐAI VÀ TỔ QUỐC

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Mình trích vài đoạn trong tiểu thuyết HOÀNG SA VẠN LÝ của mình mới viết xong, muốn cho Lãnh đạo Hải Phòng, Tiên Lãng đọc, đọc để suy ngẫm về Tổ tiên, về máu mồ hôi nước mắt của tổ tiên đã để lại cho người Việt một dáng vóc Tổ quốc và đất đai cương giới, đọc để tự hiểu rằng, cần phải có trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc, với sự hy sinh của nhân dân…

Mình hỏi chị Hiền, sao chị lại cắm lá cờ Tổ Quốc vào cái nơi nhà chị bị phá, chị Hiền nói, là để gia đình em giữ được niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ.

________________________________________________

Đọc trong âm hưởng ca khúc mà thế hệ Cu Vinh khoác ba lô hát và lên đường vì sinh mệnh Tổ Quốc đang bị đe dọa: LỜI TẠM BIỆT LÚC LÊN ĐƯỜNG

Đảo không nghe một âm thanh nào hết, cả tiếng chim hải âu cũng như nén lại.

Ráng chiều đã xuống. Thứ ánh sáng màu hồng chiếu xiên qua đảo, chiếu xiên qua gương mặt của các thủy binh, dân binh. Trên từng gương mặt của họ, màu hồng của nắng như làm căng lên những gò má vốn đã cháy nắng, những gương mặt giờ hồng rợng lên, đẹp như những thiên thần lửa, lấp lánh những giọt mồ hôi nhìn như những hạt ngọc.

Đội Nhất ngắm nhìn quân binh của mình, ngắm nhìn các chàng trai đang sẵn sàng vào thế trận, ngắm nhìn họ trong ráng chiều tà, trong cái thứ ánh sáng màu hồng ấy, màu hồng như màu cờ, và hàng trăm đôi mắt như đang đỏ rực lên nhìn về phía đoàn thuyền chiến- hàng trăm mắt đảo.

Tổ Quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong những đôi mắt người Việt đang bám bên nhau, trụ bên nhau, người trong tay người, người trong cát đảo, đảo và người trong nhau thành một khối, tất cả đều đang nhuốm hồng trong ráng chiều, cảm tưởng như các đảo đều là những quả cầu đỏ.

Tổ Quốc đôi khi chỉ là con còng gió, chạy trên cát vàng, trong ráng chiều, chạy tự do trên hòn đảo, đơn giản như vậy thôi, nhưng đó là con còng gió của nước Việt trên đảo của nước Việt, nơi mà Đội Nhất phụng mệnh Hoàng thượng trấn giữ và bảo vệ.

Tổ Quốc đôi khi như những vạt rau muống biển, nở hoa màu tím, mọc dày trên cát, thứ rau muống dại không dễ ăn, nhưng giờ là tán che khổng lồ giúp Đội Nhất và các quân binh giấu mình dưới mắt nhìn của giặc.

Những sợi dây rau muống biển dài và chắc, cánh lá sum suê, như cả tán rừng, che lên chiến hào, lên ụ đất, nhìn từ ngoài vào không thể biết được đó là công sự, đó là chiến tuyến phòng thủ. Lung lay trong gió nhẹ, những cánh hoa muống biển màu tím nhạt, lại điểm thêm chút nắng hồng chiều tà, đẹp đến ấm lòng.

Tổ Quốc là cát, là đá, là những con sóng trào vỗ bờ trắng xóa, bao quanh những hòn đảo nhỏ, nhìn thì cô đơn giữa muôn trùng biển, nhưng trên đảo là người, người Việt, là Đội Nhất, là anh em. Trên bầu trời đảo còn là những cánh hải âu chao liệng, ríu rít tiếng kêu, những cánh chim hải âu khi vụt bay cao, khi nghêng cánh sà xuống, cả những mẫu phân nhỏ bé của hải âu bay bay trong gió rồi rơi xuống cát, xuống đá, xuống cả đầu người cũng thuộc về Tổ Quốc.

Tổ Quốc là những giọt nước mắt của quân binh, thủy binh, của các cô gái, đêm đêm âm thầm khóc vì nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bàn tay ấm áp của người mẹ, nhớ cái mùi khói thuốc của người cha, nhớ cả tiếng gà gáy vang vang trong những buổi chiều khói vương rơm rạ trên cánh đồng vào mùa gặt. Họ khóc vì nhớ. Mà nếu không biết khóc vì nhớ thì sẽ không biết khóc vì nhục. Đội Nhất vẫn nói với anh em, ai nhớ nhà cứ khóc đi, không sao cả. Tổ Quốc giản dị như những giọt nước mắt ấy thôi, nhưng đó là giọt nước mắt nhớ đất liền đến quặn lòng, đến tan tác, đến bàng hoàng, nhưng không phải là giọt nước mắt khóc vì nhục.

Tổ Quốc bắt đầu từ những mũi kim sợi chỉ, chị em trên đảo khâu vá quần áo cho anh em mình, đường kim mũi chỉ trên những bàn tay ngọc, phả hơi ấm trên những cơ thể cường tráng của các chàng trai, dồn cho họ niềm tin, tình thương yêu, sự chia sẻ. Đảo có đàn bà và đàn ông, có cả những bước chân mạnh mẽ gan góc giẫm trên cát, trên đá, trên sóng biển, lại có cả những dấu chân con gái, in nhè nhẹ như thêu, như vẽ trên cát, làm điệu làm dáng cho những hòn đảo vốn bao đời trơ trọi, cô đơn trên biển cả. Dấu chân con trai, con gái trên đảo cương giới cũng thuộc về Tổ Quốc.

Tổ Quốc là ánh nắng chiều nay, nắng chiều hoàng hôn, màu hồng tươi rói như màu cờ Đại Việt, cả bầu trời cứ ráng hồng lên như thế, lấp lánh, và những gương mặt của anh em thủy binh, dân binh, các cô gái trên đảo cũng đang rực lên trong màu hồng ấy, có khi màu hồng chuyển đậm như màu máu. Đội Nhất nghĩ tới trận chiến sắp xảy ra, ai còn, ai mất, và cát vàng kia sẽ nhuốm máu đỏ của anh em, nhưng ngay cả khi cát vàng ở đảo cháy đỏ màu máu của anh em, thì đảo vẫn thuộc về Tổ Quốc.

Tổ Quốc là mảnh ván khắc hai chữ ĐẠI VIỆT cắm sâu vào tim các đảo. Ánh nắng chiều hắt bóng cột mốc giới, đổ bóng dài vắt ngang trên đảo, bóng dài cột mốc im lìm hằn trên đảo, trong mắt nhìn, hằn vào trái tim của anh em một lời thề, lời thề không âm thanh, lời thề sâu thẳm, lời thề nặng trĩu, truyền đời này sang đời khác, trong máu, trong khí huyết, trong hơi thở.

Tổ Quốc là lá cờ mang chữ Quốc vương nước Việt, bay trong gió biển, là nơi anh em nhìn tới mà đứng thẳng, mà can trường, là dấu vết muôn đời của người Việt, là câu trả lời kiêu hãnh với thế giới, lá cờ còn, đảo còn, lá cờ màu máu, đi suốt ngàn năm, đi từ cương giới đất liền ra cương giới đảo, đến tay Đội Nhất và anh em, nhìn lá cờ tung bay như thấy vẹn nguyên và vĩnh hằng đất đai bờ cõi, rạng danh Tổ Quốc.

……………………………………………
Đất đai tiên tổ ở đâu cũng là đất đai tiên tổ.

Đất đai tiên tổ ở đâu cũng giống nhau, cũng thấm máu mồ hôi và nước mắt của con cháu Việt, dù là hạt phù sa đỏ đồng bằng, bụi đất bạc màu trên núi cao hay bùn lầy sú vẹt ven biển và cát vàng ở đảo xa, ở đâu cũng linh thiêng, cũng mang đậm dấu chân, hồn vía của nhiều thế hệ Việt đã giữ gìn, đã bảo vệ, đã sống và chết truyền đời như thế.

Đất đai tiên tổ là quê hương bản quán, là nơi cha mẹ đào đất chôn nhau cắt rốn của con cái mình, là nơi để đào bới trồng cây lúa cây khoai, là hơi thở đẫm mồ hôi của ông cha, những giọt mồ hôi ướt đẫm trong nắng rát, trong mưa bão, trong đói khát, trong sự cần mẫn để gieo trồng và thu hái, để nuôi con nuôi cái, hà hơi tiếp sức cho nhiều thế hệ người Việt lớn lên, sinh tồn, bám trụ.

Đất đai tiên tổ làm chứng cho biết bao lớp lớp cháu con, lớn dậy và trưởng thành, quen hơi bén tiếng, yêu nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà làm cửa, sống trên đất, chết trong đất, niềm vui và nỗi buồn, tất cả đều không rời đất, không xa đất, tất cả quần tụ và quyến luyến với đất đai quê hương, làng xóm, cả nước mắt nụ cười, cả khao khát và chờ đợi, tất cả đều có đất làm chứng, có đất nâng đỡ, có đất dìu dắt, trong đất là xương cốt của tổ tiên, xương cốt người Việt làm ra đất đai tiên tổ người Việt.

Đất đai tiên tổ là nơi trời đã định, phận đã liệu, từ cương giới đất liền đến nơi biển cả, không xâm chiếm của ai, không giành giật của ai, một hạt bụi cũng là của người Việt, một cây cỏ cũng thuộc về người Việt, đời đời kiếp kiếp như thế, ai chiếm đoạt thì bị trừng phạt, ai phản bội thì phạm trọng tội, trong đất có hồn vía cha ông, có sức mạnh nước non, có lời thề truyền đời giữ đất của các bậc tiền bối, không ai được phép quay lưng trở mặt, lấy sức mà giữ gìn, lấy cả máu ra mà giữ gìn, không thể khác.

Đất đai tiên tổ là nơi chia sẻ, là nơi đón nhận, là nơi ủ ấm những thân xác con cái người Việt đã bỏ mạng vì các cuộc chiến giữ đất giữ nước, sống thì cùng đất làm nên hạt lúa củ khoai, cùng đất rảo bước trên những nẻo đường, cùng đất cười đùa khi hạnh phúc, vục mặt vào đất khi khổ đau, bấu vào đất khi chân yếu tay mềm, tựa vào đất khi trời không yên, biển không lặng, chúi mặt vào đất khi tủi thân, khi buồn bã và cô độc, nằm yên ả trong đất khi nhắm mắt xuôi tay. Sống thì bảo vệ đất đai, chết thì nằm trong đất đai, người Việt mãi là như thế, yêu đất đai và thề chết vì đất đai tiên tổ.

Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.

Nhưng tiếc. Đội Nhất nhìn từng gương mặt các chàng trai, gương mặt các cô gái trẻ đang ngời ngời lên trong nắng, sung sức, ánh mắt long lanh, đẹp quá, những gương mặt người Việt đẹp như thiên thần. Vì sao họ không được yên ổn để sống, để yêu nhau, để sinh con đẻ cái, để làm chồng làm vợ? Vì sao họ lại phải chết trẻ, chết trinh nguyên trong trắng vào cái tuổi như quả trên cây mới chín. Biết là họ chết vì bảo vệ đất đai tiên tổ, nhưng tiếc, quặn lòng vì đau đớn, sôi ruột vì căm thù giặc giã, bàn tay Đội Nhất nắm lấy thanh kiếm mà ước chi có thêm ngàn sức mạnh để có thể quét sạch giặc giã, dồn đuổi chúng tới chân trời, cho cương giới mãi trường tồn yên ổn, không còn thấy cảnh chém giết man rợ, để các trai tráng và thiếu nữ chỉ biết chăm chỉ làm ăn, lo toan cuộc sống, biến đảo thành ấp thành làng, ấm êm hạnh phúc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Nguyễn Quang Vinh © 2011 - 2012 | Designed by BCA